Không tăng trưởng bằng mọi giá, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân

10:38, 20/09/2017
|
(VnMedia) - Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá và sẽ tiếp tục tập trung cơ hội vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Điều này thể hiện trong các chỉ đạo, chỉ thị của lãnh đạo Chính phủ từ đầu năm đến nay”.
 
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo “Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng”, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
 
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
 
Theo ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong 8 tháng đầu năm, chỉ số tài chính tiền tệ đã được đảm bảo, cung cấp đủ nguồn lực tài chính và sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Cùng với đó, khu vực sản xuất kinh doanh chứng kiến tăng trưởng ngoạn mục, công nghiệp chế biến chế tạo, IMP trên 10% cao hơn mức năm ngoái, bù đắp sụt giảm khai khoáng, đặc biệt là dầu thô.
 
Cũng theo thông tin từ đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số xuất khẩu tăng gần 18%, nhập trên 22%. Đáng chú ý là, nhập khẩu tỷ lệ lớn máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, cho thấy nền sản xuất trong nước khởi sắc. 
 
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá và sẽ tiếp tục tập trung cơ hội vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Điều này thể hiện trong các chỉ đạo, chỉ thị của lãnh đạo Chính phủ từ đầu năm đến nay”.
 
Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá và sẽ tiếp tục tập trung cơ hội vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh minh họa
Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá và sẽ tiếp tục tập trung cơ hội vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh minh họa
 
Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương cho biết, "mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đề ra thì đã quá rõ. Tuy nhiên, cách thức thế nào đạt được mục tiêu trong bối cảnh khó khăn về ngân sách, hội nhập hiện nay là vấn đề cần bàn đến". Theo ông Hưng, để đi được nhất quán trên con đường này cần sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành.
 
Dẫn chứng về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, việc đầu tiên là phải có đội hình nhất quán, nghĩa là tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý đồng bộ. Đây là khâu quan trọng để đội hình Chính phủ phù hợp, chuẩn thì phối hợp sẽ chuẩn.
 
Ông Hưng đơn cử, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương vừa qua thể hiện tinh thần tiếp cận đổi mới. Nhiều cơ quan mới được hình thành như “kinh tế số” mang tính hiện đại, cập nhật với xu thế... Cùng với đó, theo ông Hưng, trong bối cảnh hạn hẹp ngân sách điều cần hướng tới là khơi thông cơ chế chính sách.
 
“Tại sao trong hơn 1 năm vừa qua Bộ Công Thương chỉ bỏ được 1 số điều kiện kinh doanh như Thông tư 37, dán nhãn năng lượng, khai báo hoá chất... Gần đây Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị yêu cầu rà soát, đưa ra 2 phương án rà soát từng điều kiện trong từng ngành và lĩnh vực, bỏ điều kiện kinh doanh khoảng 40% - 50%. Không phải có thể bỏ ngay nhưng những điều kiện có thể bỏ sớm, những điều kiện phải có chặng đường như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thời gian...”, ông Hưng chia sẻ.
 
Thị trường không thể ra lệnh để tăng trưởng 
 
Đưa ra nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bà Virginia Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam chia sẻ, có một số điểm chưa nhất quán trong nhiệm vụ tăng trưởng.
 
Theo bà Virginia Foote, Chính phủ có thể ra chỉ thị với các doanh nghiệp quốc doanh về tăng trưởng, nhưng như vậy sẽ khó khăn và chi phí của tăng trưởng sẽ rất cao. Rõ ràng, thị trường thì không thể ra lệnh để tăng trưởng. Rất khó để xây dựng nền kinh tế pháp lệnh và nền kinh tế thị trường cùng một lúc.
 
Bà Virginia Foote cho rằng, một bộ có các doanh nghiệp Nhà nước để quản lý thì sẽ rất khó để họ phân tích thị trường hay nhu cầu của các doanh nghiệp tư nhân cùng lĩnh vực. Ví dụ, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện giá và mặt trời… làm sao thu hút đầu tư.
 
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, có hai vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư đang quan tâm là, tình trạng tham nhũng và gánh nặng về các quy định điều kiện quản lý.
 
Trong khi đó, theo ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, chúng ta muốn tăng trưởng ngắn hạn và trung hạn nhưng khó khăn về ngân sách, cải cách chính trị và bộ máy Nhà nước.
 
Đưa ra bài toán giải quyết tăng trưởng cho Việt Nam, ông Thành cho rằng, có hai cánh cửa. Đó là, hội nhập để có thể tận dụng thị trường, nhà đầu tư, công nghệ, chia sẻ rủi ro. Cùng với đó, là khơi thông nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả trong nước và khu vực FDI. 
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc