(VnMedia)-
Báo cáo tại hội thảo "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài", đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2017, có 33 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hoá, với giá trị thực tế đang được xác định là hơn 80.600 tỷ đồng.
Báo cáo về hoạt động cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho thấy giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã cổ phần hóa thành công hơn 508 DN, năm 2016, có 58 DN được phê duyệt cổ phần hoá.
Tính đến hết 8 tháng năm 2017, đã có hơn 33 DN được phê duyệt phương án cổ phần hoá, giá trị thực tế vào khoảng 80.600 tỷ đồng trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2911 - 2015, cả nước đã cổ phần hóa 508 DN, số vốn DNNN được thoái khoảng 761.800 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước gần 200.000 tỷ đồng. Giá trị thực tế gấp gần 4 lần so với vốn điều lệ.
Đến năm 2016, số giá trị thực tế được lên kế hoạch thoái vốn của 58 DN là gần 35.000 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần vốn điều lệ.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong tổng số 44 DNNN dự kiến cổ phần hóa năm 2017, 33 DN được phê duyệt phương án cổ phần, trong đó 10 DN sẽ được cổ phần hóa ngay trong năm 2017.
Theo nhiệm vụ cổ phần hoá, từ năm 2016 - 2020, 137 DNNN sẽ phải cổ phần hoá, trong đó có các DN lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty cao su, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)...
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, thoái còn rất nhiều tồn tại như tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa của một số bộ, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần DN. Đặc biệt, số DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa (trên 49%) còn lớn, nên làm giảm mức độ hấp dẫn của nhà đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị để có thể nâng cao hiệu quả và chất lượng của cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, các cơ quan bộ ngành và các DNNN cần thường xuyên trao đổi thông tin, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của các nhà đầu tư; học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để tìm hiểu các nguyên nhân và tìm ra giải pháp nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư; nghiên cứu để gỡ bỏ các rào cản pháp lý và hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài; loại bỏ các lợi ích nhóm; nâng cao tính minh bạch cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước của doanh nghiệp.
Trúc Dân
Ý kiến bạn đọc