(VnMedia) -
Theo ông Vũ Xuân Trường - Chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để xây dựng thương hiệu thành công, các doanh nghiệp cần tạo nên một vị thế khác biệt trong tâm trí khách hàng so với đối thủ cạnh tranh...
Sáng nay (30/8), Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia - Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình đào tạo về thương hiệu với chủ đề ‘Xây dựng chiến lược thương hiệu doanh nghiệp”.
Thương hiệu là yếu tố vô hình mạnh mẽ
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình hội nhập, giá trị của thương hiệu là công cụ hết sức quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị trí của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Sơn, việc nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng là cơ hội quảng bá chương trình thương hiệu quốc gia, góp phần xúc tiến xuất khẩu và hơn nữa là xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam ngày càng vững mạnh trên trường quốc tế.
Đưa ra các khái niệm về thương hiệu, ông Lại Tiến Mạnh – Giám đốc Công ty cổ phần Mibrand Việt Nam cũng cho hay, thương hiệu là một tài sản vô hình tồn tại trong tâm thức con người, được xác định bởi các kỳ vọng mà con người có được về các lợi ích mà họ sẽ nhận được. Những kỳ vọng này sẽ tăng lên theo thời gian qua các phương tiện truyền thông.
Cũng theo ông Mạnh, thương hiệu có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với kết quả kinh doanh và ảnh hưởng đến nhiều bên liên quan như khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên, các tổ chức tài chính, nhà định chế…
Theo ông Vũ Xuân Trường – Chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ, thương hiệu là hình ảnh lý tính, trực quan, độc quyền mà khách hàng liên tưởng tới khi nhắc đến một sản phẩm/dịch vụ, doanh nghiệp hay tổ chức. Thương hiệu cũng là một cam kết tuyệt đối về chất lượng, dịch vụ và giá trị trong một thời gian dài và đã được chứng nhận qua hiệu quả sử dụng và sự thỏa mãn của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp cần tập trung vào 1 hình ảnh thương hiệu xuyên suốt
Trả lời câu hỏi PV về nhận thức của các doanh nghiệp Việt trong việc xây dựng thương hiệu, ông Lại Tiến Mạnh cho biết, trong thời gian gần đây, nhận thức của các doanh nghiệp về xây dựng thương hiệu đã ngày càng tăng cao. Thông qua môi trường mạng, rất nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin, cũng như nhu cầu về xây dựng thương hiệu và thông qua các hoạt động này cụm từ thương hiệu được nhiều người biết hơn. Đây được xem là chỉ dấu cho thấy, nhận thức chung của doanh nghiệp đối với thương hiệu đã tăng lên. Tuy nhiên, từ nhận thức, cho đến hành động là quảng đường khá xa.
Theo ông Mạnh, hiện có khá nhiều rào cản trong quá trình xây dựng thương hiệu. Trong đó có thể kể đến như kiến thức, hiểu biết và định hướng chuẩn cho thương hiệu của mình...
Đưa ra lời khuyên để cho các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu thành công, ông Mạnh cho rằng, việc quan trọng là các doanh nghiệp phải định vị thương hiệu một cách rõ ràng, phải đủ khác biệt và thật cuốn hút đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, cần chú tâm đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ để khách hàng hài lòng với sản phẩm của mình.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Xuân Trường cũng chia sẻ, ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tiềm lực về tài chính còn yếu, chưa sẵn lòng cho việc thực hiện một chiến lược kinh doanh dài hơi. Và nếu kinh doanh theo kiểu chụp giật, ngắn hạn thì chiến lược thương hiệu sẽ không đạt kết quả cao.
“Đã qua rồi thời quan niệm xây dựng thương hiệu chỉ đơn giản chỉ là thiết kế một logo, hay ghi một nhãn hiệu lên sản phẩm, mà quan trọng là thời điểm hiện nay việc xây dựng thương hiệu chính là làm cho sản phẩm nằm trong tâm trí người tiêu dùng càng lâu càng tốt”, ông Trường nói.
Theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp nên có chiến lược xây dựng thương hiệu tiêu chuẩn trong dài hạn. Bởi nếu không có thương hiệu, sản phẩm sẽ chìm nghỉm trong vô vàn các thương hiệu khác. Không có thương hiệu bằng không có doanh số.
“Để xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp cần tập trung vào 1 hình ảnh thương hiệu xuyên suốt, nhất quán trong quá trình quảng bá, truyền thông. Sau mỗi giai đoạn truyền thông, cần có sự đo lường hiệu quả của chiến dịch truyền thông để điều chỉnh kịp thời”, ông Trường nói.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc