Chính thức vận hành Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam

19:57, 13/07/2017
|

(VnMedia) - Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp cổng thông tin một cửa về các quy định pháp lý và quy trình thủ tục cần thiết cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.

Sáng nay (12/7), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã bấm nút chính thức vận hành Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp cổng thông tin một cửa về các quy định pháp lý và quy trình thủ tục cần thiết cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.

Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) chủ trì xây dựng, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam được kỳ vọng giúp tăng tính dễ dự báo và minh bạch trong các luật lệ và quy trình thủ tục liên quan tới thương mại của Việt Nam, giúp các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp cận nhanh chóng các quy định về thương mại của Việt Nam.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ: “Với sự ra đời và chính thức vận hành Cổng thông tin Thương mại Việt Nam trong thời gian tới đây, chúng tôi hi vọng các doanh nghiệp và các bên có liên quan sẽ tìm được cho mình những thông tin cần thiết, hữu ích giúp hoạt động thương mại ngày càng được thuận lợi hơn. Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ, khu vực tư nhân cũng như các Tổ chức quốc tế để đảm bảo phối hợp có hiệu quả, chia sẻ thông tin nhằm duy trì sự bền vững của Cổng thông tin để tích cực góp phần vào thực hiện các cam kết quốc tế về minh bạch hóa của Việt Nam”.

a
Tại lễ khai trương Cổng Thông tin Thương mại VN


Sáng kiến này là nỗ lực mới nhất của Chính phủ nhằm tăng cường tiếp cận thông tin và đáp ứng Hiệp định về Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cổng Thông tin chứa đựng các thông tin liên quan tới quy định pháp lý và thủ tục hiện hành về thương mại, các văn bản pháp quy, thủ tục hành chính, hướng dẫn, biểu mẫu, giấy phép, và mức phí áp dụng bằng cả hai ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh.

“Thương mại là một động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam; và việc tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng các thông tin về thủ tục xuất khẩu - nhập khẩu là hết sức quan trọng đối với các thương nhân và nhà đầu tư”, ông Sebastian Eckardt, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.

"Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam là điểm tiếp cận thông tin một cửa, nơi người dùng có thể tìm thấy thông tin từ hàng chục bộ ngành và cơ quan nhà nước liên quan tới hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Cổng thông tin này là một phần quan trọng trong nỗ lực lớn hơn của Chính phủ nhằm tăng cường tạo thuận lợi thương mại, và Ngân hàng Thế giới sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho những nỗ lực quan trọng này”, ông  Sebastian Eckardt cho biết.

Một cổng thông tin đơn nhất chứa đựng tất cả quy định và thủ tục liên quan tới thương mại sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm hoặc tham gia trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh hàng hóa.

Một số nội dung khác của VTIP bao gồm: tổng quan về nền kinh tế Việt Nam, hướng dẫn xuất khẩu – nhập khẩu, thuật ngữ thường dùng trong lĩnh vực hải quan, cũng như thông tin về các khu kinh tế đặc biệt, khu chế xuất, thương mại xuyên biên giới và hệ thống GSP tự động; các hiệp định thương mại quốc tế, khu vực và song phương mà Việt Nam đã ký kết, gồm cả các quy tắc và quy định áp dụng, cũng như những lợi ích có liên quan; đường dẫn tới một tập hợp website của các tổ chức quốc tế để giúp hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận với thị trường quốc tế, cũng như cho phép các nhà xuất khẩu tiến hành những phân tích về tiềm năng thương mại và nghiên cứu thị trường.

Cổng thông tin cũng được kỳ vọng giúp cải thiện các quy định về thương mại, do các nhà hoạch định chính sách giờ đây có thể dễ dàng xác định mức độ phức tạp của các quy định và thủ tục hiện thời áp dụng cho hàng hóa, đề xuất các lĩnh vực có thể đơn giản hóa và hiện đại hóa, cũng như dễ dàng theo dõi tiến độ của hoạt động này.

Theo như Báo cáo Khảo sát Môi trường Kinh doanh toàn cầu 2017 (Doing Business 2017) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng 9 bậc, từ vị trí 91 lên vị trí 82 về cải thiện môi trường kinh doanh và tăng 15 bậc, từ vị trí 108 lên vị trí 93, đối với chỉ số thương mại xuyên biên giới liên quan tới các hoạt động xuất - nhập khẩu. VTIP là một bước quan trọng để giúp đạt được mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong số bốn nước có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trong ASEAN vào năm 2020.

Đinh Bách


Ý kiến bạn đọc