(VnMedia) – Theo quy định tại Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại không được vượt quá 3%, tuy nhiên trong giai đoạn 2011 - 2015 tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đều lớn hơn. Việt Nam đang có tỷ lệ nợ xấu cao nhất so với các nước Asean.
Thông tin trên được đưa ra tại ‘Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017: Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững’, vừa diễn ra sáng nay (27/6) tại Hà Nội.
Kết quả tăng trưởng kinh tế gây ngạc nhiên
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá, kể từ Đổi mới năm 1986, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6,4%/năm từ năm 2000 đến nay và tỉ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3% so với mức khoảng 50% đầu những năm 1990.
Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình (thấp). Đây là mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ.
Theo ông Bình, việc cần làm hiện nay là cần đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh như nhân công lao động dồi dào, giá rẻ, giai đoạn dân số vàng chỉ còn khoảng 10 năm nữa. Việt Nam hiện đã đạt đến trình độ phát triển kinh tế để tiếp tục tiến bước thành nước có thu nhập cao hơn, cần phải có sự đột phá trong chính sách.
Phân tích về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành đến từ Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã bước qua quý I/2017 với mức tăng trưởng 5,1%. Đây là kết quả gây ngạc nhiên, bởi trước đó kỳ vọng chung vào thời điểm cuối 2016 là kinh tế sẽ khởi sắc hơn khi bước vào 2017. Tuy nhiên, kết quả quý I/2017 lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. Như vậy, Chính phủ Việt Nam hiện nay đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Thành, cuối 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho 2016 là 6,7%, nhưng kết quả cuối cùng là 6,21%. Cuối 2016, Chính phủ vẫn kiên quyết đưa ra mục tiêu 6,7% cho 2017. Nhưng với kết quả 5,1% trong quý 1 này, thì 3 quý còn lại phải đạt bình quân 7%. Từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong hệ thống nhà nước đến chuyên gia bên ngoài đều hiểu rõ khả năng này gần như không thể.
Trước tình trạng trên, ông Thành cho rằng, kế hoạch trung hạn 5 năm cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7%, trong khi năm 2016 không đạt, nên nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh. Đó là sức ép lớn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn.
Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng vẫn giữ mức cao
Tại Diễn đàn, đại diện Trung tâm nghiên cứu kinh tế và tài chính – Trường Đại học kinh tế - Luật – Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ, Việt Nam là một thành viên của Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) được thành lập vào ngày 31/12/2015. AEC sẽ hình thành một thị trường đơn nhất và tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển vốn.
Theo đại diện Trung tâm nghiên cứu kinh tế và tài chính, vốn là một tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng chống đỡ rủi ro, cung cấp năng lực tài chính, tạo niềm tin cho công chúng của các ngân hàng thương mại.
“Theo quy định tại Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại không được vượt qua 3%, tuy nhiên trong giai đoạn 2011- 2015 tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đều lớn hơn mức này. Hiện Việt Nam có tỷ lệ nợ xấu cao nhất và có xu hướng tăng lên”, đại diện Trung tâm nghiên cứu kinh tế và tài chính nhận định.
Bằng chứng, dựa vào số liệu công bố nợ xấu của hệ thống ngân hàng các nước Asean được Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2015 tỷ lệ nợ xấu Việt Nam là 3,44%, Thái Lan 2,68%; Singapore 0,92%; Philippines 1,89%; Malaysia 1,60%; Indonesia 2,43%.
Liên quan đến thị trường chứng khoán, đại diện Trung tâm nghiên cứu kinh tế và tài chính cũng cho hay, quy mô vốn hóa có sự tăng trưởng vượt bậc. Từ mốc ban đầu chỉ chiếm 0,28% GDP vào năm 2000, đến năm 2016 quy mô niêm yết đã tăng 2.300 lần, vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng hơn 1.500 lần so với năm 2000. Giá trị dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 24% GDP. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu ở cả hai sàn đạt trên 45% GDP vào cuối năm 2016.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư đã không ngừng tăng, từ khoảng 3.000 tài khoản nhà đầu tư vào năm 2000, đạt 1,69 triệu tài khoản vào năm 2016, tăng 58 lần, số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng đã tăng 2,3 lần so với năm 2004, ước tính huy động khoảng 17,2 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp góp phần làm tăng quy mô vốn đầu tư xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mức độ biến động giá chứng khoán là một chỉ tiêu đánh giá mức độ ổn định của thị trường chứng khoán. Mức độ biến động giá chứng khoán càng cao thì thị trường chứng khoán có rủi ro cao.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc