Giới siêu giàu đang tăng trở lại

16:59, 30/06/2017
|

Trong 12 tháng qua, số người siêu giàu trên thế giới đã ghi nhận tăng, đảo chiều so với năm 2015, dù có biến động về chính trị và thị trường.

Theo số liệu từ báo cáo của Wealth X, trong 12 tháng quá, lượng tài sản cá nhân tăng nhiều nhất tại Bắc Mỹ và châu Á trong khi giảm nhiều nhất tại khu vực Mỹ Latin và Caribean. Số lượng người siêu giàu trên thế giới dự đoán sẽ tăng rõ rệt từ nay tới năm 2021.

Số cá nhân siêu giàu (người sở hữu tổng tài sản trên 30 triệu USD) đã tăng 3,5% lên con số 226.450 theo số liệu từ báo cáo.

Tổng tài sản của nhóm người này tăng 1,5% lên mức 27.000 tỷ USD dù mức tài sản trung bình mỗi người đã giảm lần đầu tiên từ năm 2013.

Cả số lượng cá nhân siêu giàu và tổng tài sản của nhóm này đều đang trở lại xu hướng tăng sau khi sụt giảm năm 2015. Đồ họa: Weath X.
Cả số lượng cá nhân siêu giàu và tổng tài sản của nhóm này đều đang trở lại xu hướng tăng sau khi sụt giảm năm 2015. Đồ họa: Weath X.

Báo cáo cũng dự đoán sẽ có thêm 72.550 người siêu giàu từ nay tới năm 2021, tỷ lệ thuận với xu hướng tăng trưởng từ năm 2012 tới nay.

Những động lực tăng trưởng tài sản toàn cầu trong dài hạn sẽ bao gồm quá trình đô thị hóa, tăng mức thu nhập và tăng số lượng lao động nữ.

Báo cáo cũng cho thấy châu Á đang là khu vực gia tăng nhanh cả về lượng tài sản lẫn số lượng cá nhân siêu giàu. Số người siêu giàu châu Á đã tăng từ 18% lên 26% tổng lượng cá nhân siêu giàu trong 10 năm qua.

Theo Weath X, xu hướng này diễn ra là do tăng trưởng kinh tế tốt và các chính sách hỗ trợ tiền tệ của khu vực này.

Số lượng cá nhân siêu giàu chỉ chiếm 0,003% dân số trưởng thành của thế giới, trong đó 2.397 người là tỷ phú. Chỉ 272 số tỷ phú này là phụ nữ, trong khi 2.125 là nam giới. Tiền mặt chiếm khoảng một phần ba tài sản của giới siêu giàu, cho thấy sức chi tiêu khổng lồ của nhóm này.

Chính trị nhiều biến động suốt năm 2016, bao gồm cuộc bầu cử nhiều tranh cãi của tổng thống Mỹ Donald Trump, Anh tách khỏi châu Âu, cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hay căng thẳng leo thang tại Trung Đông đã làm giảm sự tự tin của các nhà đầu tư và làm chậm tăng trưởng GDP toàn cầu. Số lượng các thương vụ mua bán và sáp nhập toàn cầu đã giảm 18% từ mức cao kỷ lục của năm 2015.

Biến động tỷ giá cũng đóng một vai trò quan trọng trong xê dịch định giá tài sản năm ngoái, gây thiệt hại đáng kể cho các cá nhân siêu giàu tại Anh, Nga, Mexico và Brazil. Trong khi đó, đồng USD mạnh, tính thanh khoản thị trường được nâng cao cùng sự phát triển mạnh của lĩnh vực công nghệ đã giúp Mỹ giữ vững vị trí dẫn đầu thế giới về số lượng người siêu giàu, với New York là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất thế giới.

Theo Zing


Ý kiến bạn đọc