Lãnh đạo chần chừ khiến nhiều doanh nghiệp chậm cổ phần hóa

14:33, 30/06/2017
|

(VnMedia) - Theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính - ông Đặng Quyết Tiến, hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn diễn ra chậm. Nguyên nhân một phần do tư tưởng ỷ lại chần chừ, chưa quyết liệt của các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chậm cổ phần hóa

Tại buổi họp báo chuyên đề “Một số quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp” do Bộ Tài chính tổ chức, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, nhằm phù hợp điều kiện thực tiễn, quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác, Bộ Tài chính đã chủ trì, xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của doanh nghiệp Nhà nước tại doanh nghiệp khác, ông Đặng Quyết Tiến cũng cho hay, việc chuyển nhượng vốn nhà nước phải đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp theo giai đoạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành; không thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần,vốn góp của Nhà nước quy định tại Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

Hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vấn diễn ra chậm so với kế hoạch. Ảnh minh họa
Hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vấn diễn ra chậm so với kế hoạch. Ảnh minh họa

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến nội dung thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, tính đến đến thời điểm 15/6/2017, cổ phần hóa được 19 doanh nghiệp nhà nước và tiến độ cổ phần hóa năm nay chậm hơn so với năm 2016.

Đưa ra nguyên nhân của sự chậm trễ này, ông Tiến cho biết, việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước một phần do tư tưởng ỷ lại chần chừ, chưa quyết liệt của các lãnh đạo. “Việc thiếu minh bạch thông tin là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến doanh nghiệp khó thu hút được nhà đầu tư tiềm năng. Các nhà đầu tư thường e ngại khi các thông tin liên quan đến hoạt động, đến tài chính doanh nghiệp không công khai, không trung thực đó là những nguyên nhân dẫn việc đến việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”, ông Tiến cho hay.

Ông Tiến cũng nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, tránh thất thoát vốn và tài sản của doanh nghiệp chỉ xảy ra mâu thuẫn khi không có sự công khai minh bạch trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Với những điểm đổi mới cơ bản tại Dự thảo Nghị định sẽ ngăn chặn việc thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Đã công bố giá trị doanh nghiệp nhiều doanh nghiệp

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến 31/5/2017, đã cổ phần hóa 13 doanh nghiệp Nhà nước (Bộ Quốc phòng 10 doanh nghiệp, Hưng Yên 1 doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế 1 doanh nghiệp, Đài truyền hình Việt Nam 1 doanh nghiệp) và 2 đơn vị sự nghiệp (Bắc Giang, Quảng Ninh).

Trong đó, có 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH dệt may 7 thuộc Công ty TNHH MTV Đông Hải, Đài truyền hình Việt Nam, Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Hưng Yên, Công ty xây dưng và cấp nước Thừa Thiên Huế) nằm trong danh sách 137 doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa.

Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng cho biết, riêng trong tháng 5 vừa qua, cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư phát triển nhà MHDDI1, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý nhà và dịch vụ đô thị thuộc Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Đô thị, Công ty trách nhiệm hữu hạn dệt may 7 thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Đông Hải).

Thông tin của Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng cho biết, đã công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa 39 doanh nghiệp (trong đó có 13 doanh nghiệp Nhà nước thuộc danh sách 137 doanh nghiệp Nhà nước đang phải cổ phần hóa. Đang tiến hành xác định giá trị 68 doanh nghiệp; 1 doanh nghiệp được phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa (Công ty cấp thoát nước tỉnh Lâm Đồng).

Về thoái vốn nhà nước, đến hết ngày 31/5 vừa qua, cả nước đã thực hiện bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại 21 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng, thu về 11.589,3 tỷ đồng. Trong số 21 doanh nghiệp này, có 6 doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá.

Riêng trong tháng 5/2017, cả nước thoái vốn được theo giá trị sổ sách là 174,2 tỷ đồng, thu về 179 tỷ đồng.
 

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc