(VnMedia) – Hiện doanh nghiệp tư nhân có quy mô vốn sản xuất kinh doanh, quy mô lao động bình quân/1 doanh nghiệp là thấp nhất, chỉ tương đương khoảng 24 – 25 tỷ đồng và 18 – 20 lao động. Đây được xem là một trong các trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được hiệu quả kinh tế.
Doanh nghiệp tư nhân gia tăng mạnh mẽ, nhưng quy mô không cải thiện
Theo Cục phát triển doanh nghiệp, cùng với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng đảm đương vai trò quan trọng hơn trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước.
Cũng theo Cục phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân đang gia tăng mạnh mẽ, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Điển hình, năm 2016, hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập, tăng 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, có thêm 50.534 doanh nghiệp, với gần 1,2 triệu tỷ đồng bổ sung vào nền kinh tế, lũy kế có 612 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Hơn 2.600 dự án đầu tư nước ngoài với gần 16 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 23,3% về số dự án so với cùng kỳ.
Nếu tính theo quy mô lao động, có tới 97,7% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Xét về quy mô vốn, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ và vừa chiếm tới 94,8%. Đáng chú ý hơn là, trong khu vực tư nhân trong nước có tới 98,6% là quy mô nhỏ (trong đó chủ yếu là tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.
Một điểm đáng chú ý cũng được Cục phát triển doanh nghiệp đưa ra là, hiện quy mô doanh nghiệp tư nhân khá nhỏ và không có sự cải thiện qua nhiều năm.
Theo đó, doanh nghiệp tư nhân có quy mô vốn sản xuất kinh doanh, quy mô lao động bình quân/1 doanh nghiệp thấp nhất, tương đương khoảng 24 – 25 tỷ đồng và 18 – 20 lao động. Đây được xem là một trong các trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được hiệu quả kinh tế.
Cùng với đó, tài sản cố định bình quân/doanh nghiệp tư nhân nhỏ duy trì ở mức 7 – 8 tỷ đồng/doanh nghiệp và không có cải thiện đáng kể trong suốt giai đoạn 2011 – 2015.
“Doanh nghiệp tư nhân trong nước không đủ năng lực tài chính để đầu tư vào tài sản cố định, máy móc công nghệ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây là vấn đề rất đáng suy ngẫm đối với các cơ quan hoạch định chính sách để có thể đưa ra chính sách phù hợp với khu vực này”, Cục phát triển doanh nghiệp cho hay.
Chi phí không chính thức vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp
Đưa ra những rào cản và hạn chế trong việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, Cục phát triển doanh nghiệp cho hay, hiện bộ phận này đang gặp các rào cản về tiếp cận đất đai gồm thủ tục giải phóng mặt bằng, giá cho thuê đất cao… Cùng với đó, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay. Đặc biệt, chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp.
Theo Cục phát triển doanh nghiệp, hiện chi phí logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục… vẫn khá cao. Bằng chứng, chi phí vận chuyển 1 container từ cảng Hải Phòng – Hà Nội cao gấp 3 lần so với chi phí từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam.
Cùng với đó, ở địa phương còn tồn tại hiện tượng chồng chéo, trùng lắp giữa công an, môi trường, xây dựng, thuế… thiếu sự phối hợp giữa ngành thanh tra và ngành kiểm tra.
Đưa ra định hướng chính sách phát triển cho khối doanh nghiệp tư nhân, Cục phát triển doanh nghiệp cho rằng, cần xóa bỏ mọi định kiến, rào cản, cải cách mạnh các thủ tục hành chính. Theo đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Khuyến khích các hộ, cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa công nghiệp và phát triển nguồn nhân lực.
Khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo thống nhất với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các luật liên quan, nhằm đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, minh bạch và dễ tuân thủ.
Cũng theo Cục phát triển doanh nghiệp, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thay đổi phương thức kiểm tra trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đảm bảo tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành ở mức không quá 20% so với số lô hàng xuất nhập khẩu.
Về tiếp cận đất đai, Cục phát triển doanh nghiệp cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hút đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phương pháp định giá đất và khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp. Rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính nhất quán, công khai minh bạch thông tin.
Đối với việc mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh, cần hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến 2035, chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam. Xử lý nghiêm và công khai những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường…
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc