(VnMedia) –
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, mặc dù là nền kinh tế tăng trưởng dựa khá nhiều vào xuất khẩu, nhưng tình trạng nhập siêu của Việt Nam kéo dài trong nhiều năm. Đặc biệt, ngành công nghiệp còn phụ thuộc vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới.
Ngày 31/5, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo quốc gia về “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững”. Tại đây, Bộ Công Thương đã công bố Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Bộ Công Thương, Kế hoạch cơ cấu này được xây dựng trên nguyên tắc tập trung vào xác định những hoạt động, chương trình cụ thể để xử lý một số điểm nghẽn lớn trong phát triển công nghiệp thời gian qua.
Công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào nhập khẩu
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương cho biết, Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ Công Thương soạn thảo. Trong đó nêu nổi bật lên 7 thành tựa đã đạt được và 12 điểm nghẽn lớn.
Đưa ra những thành tựa đạt được, ông Hưng cho biết, sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng, Việt Nam luôn ở trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao. Cùng với đó, công nghiệp trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo của nền kinh tế với quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt ở mức cao, một số ngành có năng lực cạnh tranh toàn cầu, cơ cấu xuất khẩu dịch chuyện mạnh theo hướng giảm các nhóm ngành công nghiệp sơ chế, khai khoáng.
Cũng theo ông Hưng, trong 10 năm qua, đầu tư cho phát triển công nghiệp liên tục tăng, đặt biệt là đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Các ngành công nghiệp đã thu hút, tạo việc làm đáng kể cho lực lượng lao động trong nước. Cơ cấu phát triển ngành công nghiệp đã có sự dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao và giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp thô và sơ chế.
Liên quan đến những điểm nghẽn lớn khiến tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam chậm và chưa thực sự bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng.
Cụ thể, đóng góp của công nghệ đối với năng suất nhân tố tổng hợp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp, chỉ xấp xỉ 10%, của toàn nền kinh tế là 29%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực ở cùng giai đoạn như: Ấn Độ (49%), Thái Lan và Philippine (70%), Malaysia (64%), Indonessia (37%) hay Trung Quốc (39%).
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, ngành công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ; các doanh nghiệp công nghiệp nội địa quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh nhìn chung còn thấp; phân bố không gian của các ngành công nghiệp chưa hiệu quả, vấn đề ô nhiễm môi trường…
Đánh giá về điểm nghẽn của ngành công nghiệp chưa cụ thể
Đưa ra bình luận về Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, bà Nguyễn Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dự thảo đề án đã viết cô đọng, nêu được khá xác đáng những thành tựu quan trọng. Cùng với đó, xác định được 12 điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp, cũng như chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra điểm nghẽn. Đề cập đến những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo bà Tuệ Anh, mặc dù đề án bước đầu đã xác định được vấn đề và các bước tiếp theo nhưng nội dung của đề án chưa làm sáng tỏ được yêu cầu về cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp. Các quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhất là giải pháp, các nhiệm vụ một cách cụ thể và tổ chức thực hiện đề xuất còn quá chung chung, thiếu mục tiêu của từng nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện (ai, làm gì, đạt kết quả gì?); thiếu cơ chế giám sát, đánh giá nên sẽ khó triển khai thực hiện trên thực tế.
Bà Tuệ Anh cũng cho rằng, Đề án chưa rà soát đầy đủ các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ đã ban hành nhằm cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế để làm căn cứ cho xây dựng. Một số đánh giá về điểm nghẽn của ngành công nghiệp chưa cụ thể, đánh giá về năng lực cạnh tranh của các ngành và sản phẩm còn mờ, chưa thấy rõ bản chất của tăng trưởng năng suất lao động ngành công nghiệp để có hướng cơ cấu lại.
“Đây là đề án chính thức nên cần trích dẫn nguồn đầy đủ, cần có số liệu minh chứng cho các nhận định đánh giá “…cao hơn hay thấp hơn” so với các nước khác”, bà Tuệ Anh phát biểu ý kiến.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc