Nhiều quyết định quan trọng bắt đầu có hiệu lực từ 1/6

07:25, 01/06/2017
|

(VnMedia) - Không có thẻ Bảo hiểm y tế phải trả viện phí cao gấp 4 lần; Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET; Quy định đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động… là những quyết định quan trọng có hiệu lực từ 1/6.

Không có thẻ Bảo hiểm y tế phải trả viện phí cao gấp 4 lần

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế.

Ttừ ngày 1/6, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ Bảo hiểm ý tế (BHYT).

Theo Thông tư 02, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa gồm giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện (BV).

Trong 3 nhóm dịch vụ này, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2-4 lần so với giá hiện tại.

Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Theo quy định mới, tiền khám tối đa ở BV hạng đặc biệt và BV hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và BV hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt.

Cùng với đó, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng đặc biệt cũng tăng gấp đôi lên 677.100 đồng; BV hạng 1 là 632.200 đồng; BV hạng 2 là 568.900 đồng. Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là: 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày, 279.100 đồng/ngày; tại BV hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và BV hạng 4 là 226.000 đồng/ngày...

Quy định đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/6/2017.

Theo đó, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức là: 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình; 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.

Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng là 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.

Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 12 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (GPLX).

Theo Thông tư số 12 của Bộ Giao thông Vận tải, việc ấn định thời hạn buộc đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa như thông tư trước đó đã bị bãi bỏ. Trong đó, điều khoản quy định lộ trình đổi bằng lái xe không thời hạn A1, A2, A3 trước ngày 31/12/2020 như thông tư cũ quy định cũng không còn hiệu lực.

Như vậy, xe có thời hạn chỉ thực hiện việc đổi bằng lái xe trước khi hết thời hạn sử dụng. Người có giấy phép lái xe bị hỏng còn thời hạn sử dụng được đổi giấy phép lái xe.

Thông tư 12 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ được ban hành ngày 15/4/2017 và có hiệu lực thi hành từ 1/6/2017, thay thế Thông tư 58 trước đây.

Quy định mới về nhãn hàng hóa

Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6, nhãn hàng hóa phải được nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hoá của mình.

Trong trường hợp hàng hoá xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định.

Rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 31/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý thuế giá trị gia tăng. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 2/6/2017.

Theo đó, rút ngắn thời gian hoàn thuế cho người nộp thuế trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu Ngân sách Nhà nước (NSNN)/ Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu NSNN do cơ quan thuế chuyển đến (quy định hiện nay là trong thời hạn chậm nhất 3 ngày làm việc).

Cũng theo Thông tư này, Cục Thuế cập nhật, hạch toán đầy đủ các Quyết định hoàn thuế/hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu NSNN vào Hệ thống ứng dụng quản lý thuế ngay trong ngày làm việc được ký ban hành quyết định hoàn thuế.

Sau khi hạch toán Quyết định hoàn thuế và Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu NSNN, Cục Thuế luân chuyển sang KBNN ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc