Theo Vietnamplus mới đây, Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar (Vietstar, mới thành lập tháng 6/2016) vừa tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ tái đề nghị được xem xét, phê duyệt cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Hiện doanh nghiệp (DN) này đang vận hành hãng hàng không Vietstar Airlines.
Theo đó, Tri thức trẻ thông tin, Vietstar sẽ trở thành hãng hàng không thứ 5 trên thị trường nội địa Việt Nam cùng với Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Vasco nếu được cấp phép và cất cánh ngay trong năm nay 2017.
Được biết, Vietstar Airlines được thành lập năm 2010, là hãng hàng không liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân), theo Zing.
Tính tới thời điểm năm 2014, hãng có 3 cổ đông chính là Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar (sở hữu 67% cổ phần), Công ty sửa chữa máy bay A41 (sở hữu 25% cổ phần) và Công ty CP Logistic Ngôi Sao Việt (8% cổ phần) với vốn điều lệ là 400 tỷ đồng.
Ông Phạm Trịnh Phương, Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, hiện nắm vai trò Tổng giám đốc Vietstar Airlines.
Theo trang chủ của hãng hàng không này, hãng chủ yếu cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, hãng phục vụ cho các yêu cầu quốc phòng như vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát.
Hãng còn cung cấp dịch vụ liên quan đến khai thác chung của ngành hàng không như bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất, cung cấp dịch vụ máy bay chở khách, chở hàng, môi giới thuê máy bay, cho thuê thiết bị vận tải hàng không kèm người điểu khiển và đào tạo phi công.
Về vận chuyển hành khách, Zing cho biết, trước thời điểm đề xuất với Bộ GTVT và Chính phủ xem xét, phê duyệt cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không, hãng chỉ có dịch vụ taxi hàng không, bằng các loại máy bay nhỏ dành cho đối tượng khách hàng có nhu cầu nhanh chóng.
Trở ngại lớn nhất cho lần tái đề xuất này của Vietstar Airlines là sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải.
Để thích nghi với tình trạng này, báo Vietnamplus đưa tin, hãng đã đưa ra kế hoạch bay mới. Theo đó, hãng đã giảm số lượng tàu bay từ 23 chiếc đến năm 2021 xuống còn 10 chiếc, trong đó số lượng tàu bay đậu tại Tân Sơn Nhất trong giai đoạn 2017-2020 chỉ có 5 chiếc.
Lý giải tính hợp lý của kế hoạch này, ông Phạm Trịnh Phương cho biết: Với cơ sở hiện có của Vietstar Aviation (2 hangar tại Tân Sơn Nhất có thể chứa được 5 tàu bay chủng loại tàu bay A320/321 và B737), kế hoạch khai thác 5 tàu bay của Công ty Vietstar với 5 tàu bay đỗ qua đêm tại Tân Sơn Nhất là khả thi.
Cũng theo báo Vietnamplus, Vietstar đưa ra mục tiêu phát triển và kế hoạch giai đoạn hoạt động 5 năm đầu với thị trường là trục nội địa Bắc-Nam và khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, định hướng xây dựng là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.
Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, đội bay của Vietstar sẽ bao gồm 3 chiếc Boeing 737/ Airbus A320, Zing thông tin thêm. Hãng cũng đã xuất trình được thỏa thuận thuê 3 máy bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay.
Theo Viet Q
Ý kiến bạn đọc