Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi. |
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT) đã chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức về những giải pháp để "giải cứu" chăn nuôi thịt lợn.
Xin ông cho biết, vì sao giá bán lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao trong khí giá bán lợn hơi đã giảm rất mạnh trong vài tháng qua?
Đây là một bất cập mà thua thiệt lại thuộc về người chăn nuôi. Chúng tôi những người làm quản lý, làm nông nghiệp và cả người tiêu dùng đều không mong muốn.
Nguyên nhân là do chúng ta chưa thực sự ứng xử một cách đầy đủ từ công tác quản lý, đến hoạt động sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ các phẩm chăn nuôi một cách chuyên nghiệp, theo kinh tế thị trường, mặc dù chính sách của nhà nước đã rõ và khá hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, tôi thực sự muốn rằng, thương lái, những người thu mua và giết mổ cần chia sẻ với người chăn nuôi. Nếu chúng ta “chung tay” thì hoàn toàn có thể nâng giá mua lợn cho người chăn nuôi ít nhất cũng bằng giá thành sản xuất là 35.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tiếp tục thông tin, truyền thông, công khai nguồn lợn, giá lợn và giá thịt lợn để người tiêu dùng biết, lựa chọn. Người chăn nuôi biết để không bị thương lái ép giá.
Các doanh nghiệp kinh doanh vật tư thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tổ chức chứng nhận… phải tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận để hạ giá vật tư đầu vào giúp người chăn nuôi. Nội dung này đã được nhiều công ty, doanh nghiệp chia sẻ trong các tuần vừa qua…
Người chăn nuôi cần rà soát đánh giá loại thải ngay những con giống, nhất là những lợn nái kém chất lượng và không bán phá giá lợn trên thị trường.
Quản lý thị trường tăng cường chức năng kiểm soát và vận động thương lái thực sự chia sẻ với người chăn nuôi, cùng người tiêu dùng mua lợn và thịt lợn có lợi cho nông dân.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh TACN và thuốc thú y.
Nhiều trang trại gần như phải "treo chuồng" vì giá thịt lợn xuống quá thấp. Ảnh: H.V |
Ngoài những giải pháp tình thế, về lâu dài Bộ NN&PTNT sẽ làm gì để không lặp lại tình trạng này, thưa ông?
Về lâu dài, chúng ta phải tổ chức chăn nuôi theo chuỗi. Khi đó, có sự gặp gỡ của các doanh nghiệp giết mổ và chế biến, các hiệp hội chăn nuôi, các hợp tác xã, người chăn nuôi… cùng nằm trong chuỗi thì họ sẽ chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi. Chúng ta còn truy suất được nguồn gốc, đảm bảo các sản phẩm chăn nuôi chất lượng, an toàn.
Thông qua các chuỗi này, việc dự báo được cung cầu cũng dễ dàng hơn. Còn như hiện nay, sản xuất đơn lẻ, tự phát thì khó dự báo. Trước đây, Bộ NN&PTNT cũng thường xuyên khuyến cáo nguy cơ tăng đàn quá mức, nhưng việc khuyến cáo này có thể đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc chính vào các doanh nghiệp, người chăn nuôi và các địa phương phải đẩy mạnh khuyến cáo người chăn nuôi.
Với nguồn thịt lợn đang dư thừa rất lớn, Bộ NN&PTNT có giải gì để giúp đỡ nông dân?
Đầu tiên, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương giảm ngay việc tăng đàn, loại thải những con nái kém chất lượng, lợn sơ sinh kém chất lượng. Đề nghị các đơn vị có năng lực chế biến, dự trữ tăng thu mua, giết mổ cấp đông, trong giai đoạn đang dư thừa hiện nay. Tuy nhiên, Bộ chỉ kêu gọi mà không thể làm thay các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chưa khi nào thịt lợn Việt Nam lại rẻ và sạch như hiện nay. Cần tổ chức tuyên truyền để thông báo cho người tiêu dùng những nơi có thịt sạch, tiêu thụ giúp người chăn nuôi.
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc