(VnMedia) -
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo sơ bộ 3 kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2017. Theo đó, kịch bản thấp dự kiến đạt 5,89%; kịch bản khả thi có khả năng đạt được là 6,23%; và kịch bản cao đòi hỏi có nhiều nỗ lực và giải pháp mạnh có khả năng tăng 6,57%.
Kịch bản tăng trưởng khả thi ở mức 6,23%
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kinh tế Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Theo đó, lạm phát chịu nhiều sức ép tăng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp, đặt ra yêu cầu cao đối với công tác điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong những tháng còn lại của năm 2017.
Cùng với đó, thị trường hàng hoá sẽ chịu tác động của các yếu tố như dịch bệnh trên vật nuôi (cúm gia cầm) đang có nguy cơ bùng phát; giá cả nhóm hàng nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có xu tăng ảnh hưởng tới giá xăng bán lẻ trong nước; giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng nhằm tiếp cận giá thị trường; lương cơ bản điều chỉnh tăng... sẽ làm tăng chỉ số giá trong năm 2017.
Trong bối cảnh đó, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo sơ bộ 3 kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2017.
Theo đó, kịch bản thấp dự kiến đạt 5,89%; kịch bản khả thi có khả năng đạt được là 6,23%; và kịch bản cao đòi hỏi có nhiều nỗ lực và giải pháp mạnh có khả năng tăng 6,57%.
Tại công văn số 35/TTg-KTTH ngày 22 tháng 4 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành và một số địa phương lớn xây dựng kịch bản, phương án tăng trưởng kinh tế của quý II, III, IV và cả năm 2017, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán, chi tiết hóa phương án tăng trưởng cả năm 2017 là 6,7%.Để đạt được mục tiêu này, trong 9 tháng còn lại, bình quân GDP phải tăng khoảng 7,1%. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ các năm từ 2011- 2016.
Tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô
Trong báo cáo về kịch bản tăng trưởng và báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu đề ra.
Theo đó, nhóm giải pháp dài hạn, sẽ tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, đây là yêu cầu tiên quyết để vừa giải quyết mục tiêu ngắn hạn là thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017, vừa đảm bảo mục tiêu dài hạn là phát triển bền vững, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan về lộ trình tăng giá điện, đảm bảo phù hợp với giải pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân và FDI.Trong đó, đặc biệt lưu ý chất lượng các dự án đầu tư FDI trong bối cảnh vốn đăng ký tăng mạnh nhưng giải ngân đạt thấp. Thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu, trong đó khẩn trương rà soát việc áp dụng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập siêu từ trước tới nay, đánh giá cụ thể để có thể đề xuất áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới. Kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp mạnh đối với hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.
Đối với nhóm giải pháp ngắn hạn, phục vụ các tháng còn lại năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm 2017, trước mắt trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác trong nước, tối thiểu đạt 1 triệu tấn nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu.
Giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý vấn đề môi trường của dự án Formosa, nếu đủ điều kiện để hoạt động, có thể xem xét cho phép nhà máy đi vào vận hành. Nếu được vận hành lò cao số 1 trong tháng 5 sẽ cho công suất là 3,5 triệu tấn thép/năm, sẽ đóng góp khoảng 0,16% trong tăng trưởng GDP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó phối hợp với các doanh nghiệp có các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn nhằm giải phóng hàng tồn kho hiện đang ở mức cao so với cùng kỳ.
Đặc biệt, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia, tạo cú hích trong đầu tư và tăng trưởng như dự án Cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án chống ngập TP.HCM... Đây là các dự án có tính lan tỏa lớn, cần sớm được triển khai để thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân và FDI.
Bên cạnh đó, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, một phần đưa thêm vốn đầu tư vào nền kinh tế, một phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, gắn công nghệ cao với tiến bộ quản lý, quy mô sản xuất và giải quyết tốt vấn đề thị trường…
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc