(VnMedia) -
Theo ông Nestor Scherbey, Tổng Giám đốc CTRMS Việt Nam - Cố vấn cấp cao, Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ cần liên hệ với các chuyên gia uy tín, nhà cung ứng dịch vụ kiểm định và chứng nhận để được hỗ trợ về các quy định và quy trình an toàn thực phẩm.
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập” vừa diễn ra ngày 23/5.
An toàn thực phẩm luôn là tiêu chí hàng đầu
Chia sẻ về những tiêu chuẩn hàng hóa tại thị trường Mỹ, ông Herb Cochran - Cố vấn Amcham, Cố vấn chương trình thuận lợi hóa thương mại của Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang biến hệ thống an toàn thực phẩm của quốc gia thành một hệ thống dựa trên việc ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.
Cũng theo ông Herb Cochran, Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm tại Mỹ yêu cầu khá khắt khe. Theo đó, các cơ sở sản xuất thực phẩm được yêu cầu phải thực hiện một kế hoạch kiểm soát bằng văn bản. Trong đó có những đánh giá về mối nguy có thể ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, xác định các bước ngăn ngừa hoặc kiểm soát nào sẽ được thực hiện, để giảm thiểu đáng kể hoặc ngăn ngừa các mối nguy hiểm.
Ông Herb Cochran cũng cho biết thêm, việc kiểm soát phòng ngừa bắt buộc đối với cơ sở sản xuất thực phẩm được Mỹ yêu cầu còn có việc xác định các cơ sở giám sát kiểm soát để đảm bảo chúng có hiệu quả. Các tiêu chuẩn đó phải xem xét các mối nguy xảy ra tự nhiên, cũng như những mối nguy có thể xảy ra một cách vô ý hoặc có ý.
“Các báo chỉ ra rõ ràng việc tăng cường an toàn và nhất quán của chuỗi cung ứng toàn cầu là ưu tiên hàng đầu Mỹ”, ông Herb Cochran chia sẻ.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp cung ứng vào thị trường Mỹ, ông Herb Cochran cho rằng, cần tăng cường khả năng hệ thống an toàn thực phẩm của các nước khác, bao gồm cả hệ thống các quy định, là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc để tránh được các vấn đề tại tại chuỗi cung ứng khi đến thị trường Mỹ.
Riêng đối với thị trường Việt Nam, ông Herb Cochran cũng nhận định, vấn đề không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm là hàng rào lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tập huấn và cấp chứng chỉ bởi các cơ quan kiểm định tại Việt Nam.
Ông Nestor Scherbey, Tổng Giám đốc CTRMS Việt Nam – Cố vấn cấp cao, Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu cũng cho rằng, nếu muốn xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, tất cả các doanh nghiệp phải trao đổi và làm việc tích cực với người mua và nhập khẩu tại nước này, nhằm hiểu các yêu cầu và tuân thủ chúng.
Theo ông Nestor Scherbey, nếu các công ty chưa làm việc chặt chẽ với nhà mua hàng hoặc nhà nhập khẩu của mình, để biết và hiểu về những thay đổi liên quan đến yêu cầu về an toàn thực phẩm nhằm đưa ra những hành động thích hợp cần thiết, đừng cố gắng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm qua Mỹ, cho tới khi doanh nghiệp và các đối tác thương mại của bạn hoàn thành những việc trên.
“Nếu bạn chưa tuân thủ yêu cầu thì có rủi ro cao là nhà mua hàng, nhà nhập khẩu của bạn hoặc người đại diện sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng với Hải quan. Cho nên, công ty của bạn sẽ có nguy cơ bị phạt rất nhiều tiền, bao gồm cả việc cấm xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, ông Nestor Scherbey nhấn mạnh.
Trước những quy định này, ông Nestor Scherbey cho rằng, các doanh nghiệp hãy liên hệ với chuyên gia uy tín và các nhà cung ứng dịch vụ kiểm định, chứng nhận bên thứ ba để có được hỗ trợ về quy định, cũng như quy trình an toàn thực phẩm của Mỹ đối với sản phẩm thực phẩm của công ty xuất khẩu.
Nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam là rất lớn
Theo thông tin tại Hội thảo, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trung bình khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật dạng nguyên liệu và thực phẩm. Đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Một con số đáng báo động là, mặc dù diện tích trồng trọt cả nước chỉ tăng 57%, nhưng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tăng tới 517%. Việt Nam nhập khẩu 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật (trong đó 90% là Trung Quốc bao gồm nhiều hoạt chất độc, thời gian tồn dư dài, thế giới đã cấm sử dụng).
Theo thống kê, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 129 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật, tăng 20% so với cùng kỳ 2016.
Tính ra Việt Nam chi 616 tỷ đồng/tháng cho việc nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc (mỗi ngày dành ra 20,5 tỷ đồng cho việc này).
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc