Công nợ phức tạp: Nhiều doanh nghiệp chậm cổ phần hóa

06:46, 04/05/2017
|
(VnMedia) -  Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong số doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, có nhiều đơn vị tình hình tài chính, công nợ phức tạp, phải xử lý. Đây là một trong những hạn chế khiến công tác cổ phần hóa còn chậm so với kế hoạch đề ra. 
 
Đã cổ phần hóa 8 doanh nghiệp Nhà nước
 
Báo cáo về tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước quý 1/2017 của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy, tính đến hết quý 1, đã cổ phần hóa 8 doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, Bộ Quốc phòng 6 doanh nghiệp, Hưng Yên 1 doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế 1 doanh nghiệp và 1 đơn vị sự nghiệp tại Bắc Giang.
 
Cũng trong quý 1/2017, đã công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa 41 doanh nghiệp; đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp 108 doanh nghiệp; 1 doanh nghiệp được phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa (Công ty cấp thoát nước tỉnh Lâm Đồng). Giải thể 1 doanh nghiệp Nhà nước (trực thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam).
 
Về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho biết, đến cuối tháng 3 vừa qua, cả nước đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 10 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 71,8 tỷ đồng (bằng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 72,8 tỷ đồng (bằng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016). Trong số 10 doanh nghiệp này, có 6 doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá.
 
Đối với việc thoái vốn Nhà nước tại 12 doanh nghiệp quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho hay, để chuẩn bị cho việc thoái vốn, đến nay, 11/12 doanh nghiệp đã niêm yết, còn Công ty cổ phần hạ tầng bất động sản Việt Nam (thuộc SCIC) chưa niêm yết.
 
Nhiều Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước chưa tập trung cho công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh minh họa
Nhiều Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước chưa tập trung cho công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh minh họa
 
Trong khi đó, đối với Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn tư vấn thực hiện thoái vốn. Đối với Tổng công ty bia- rượu - nước giải khát Hà Nội, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan xử lý vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác với Carlsberg Breweries A/S.
 
Bên cạnh việc đưa ra kết quả cổ phần hóa những đơn vị trên, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thông báo kết quả sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
 
Theo đó, chuyển thành công ty TNHH 1 thành viên; chuyển thành công ty THNN một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, thực hiện nhiệm vụ công ích 2 đơn vị thuộc UBNN tỉnh Ninh Thuận.
 
Bên cạnh đó, đang xác định giá trị doanh nghiệp 1 công ty nông nghiệp (Cao su Bình Phước thuộc UBNN tỉnh Bình Phước); Đã phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới chuyển thành Công ty TNHH hai thành viên (Công ty Lam Sơn thuộc UBNN tỉnh Thanh Hóa.
 
Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho biết, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp của 40 địa phương, 1 Bộ, 1 tập đoàn kinh tế và 4 tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.
 
Riêng thành phố Hà Nội, thành phố HCM và thành phố Cần Thơ mặc dù đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định phương án, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh lại để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. 
 
Có nhiều doanh nghiệp tình hình công nợ phức tạp
 
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, nhiều Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước chưa tập trung cho công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.
 
Cùng với đó, trong số doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, có nhiều doanh nghiệp tình hình tài chính, công nợ phức tạp, phải xử lý trước khi cổ phần hóa. Một số doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng khi cổ phần hóa phải thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bởi Kiểm toán Nhà nước để nâng cao tính chặt chẽ nên cần có thêm thời gian để thực hiện kiểm toán. 
 
Đặc biệt, nhiều đơn vị lúng túng trong việc thực hiện xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, do chưa có hướng dẫn cụ thể.
 
Cũng theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, hiện nay nhiều Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc thực hiện cổ phần hóa theo từng năm. Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt lộ trình cụ thể doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn và lộ trình sắp xếp theo năm cho từng công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp. Do đó, chưa có cơ sở cho việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện.
 
Một nguyên nhân nữa dẫn đến những hạn chế trong cổ phần hóa doanh nghiệp được Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đưa ra là, hiện nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, quyết liệt thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
 
Ngoài ra, Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần chưa được ban hành. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của địa phương quá chậm. Việc phải tính toán giá trị lợi thế vị trí địa lý đất thuê khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước làm việc cổ phần hóa không thể thực hiện được.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc