(VnMedia) - Việc thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghị quyết 35/NQ là một tiến bộ quan trọng, đáng ghi nhận.
Tạ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” (ngày 29/4/2016), kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần thực hiện 8 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể:
Kiến tạo môi trường kinh doanh, công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật; Cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh…; Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không trùng lắp; Ổn định, không tăng phí, lệ phí, không tăng thuế, không tăng lãi vay ngân hàng; Đẩy mạnh cải cách hành chính; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong cả nước định kỳ hằng quý phải tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, với doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp trên địa bàn; Các địa phương thực hiện ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước…
Tiếp đó, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã có Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Nghị quyết 35/NQ-CP đã giao nhiệm vụ cho 18 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) triển khai thực hiện; trong đó một số nhiệm vụ triển khai trong năm 2016, phần lớn các nhiệm vụ được giao sẽ triển khai trong giai đoạn 2017-2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nghiệp . Ảnh:VGP |
Nghị quyết 35 thay đổi tích cực từ trong tư tưởng đến hành động để hỗ trợ doanh nghiệp
Trước thềm hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp 2017, VCCI đã có báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, tổng hợp tình hình thực hiện cam kết với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về môi trường kinh doanh, kết quả đáng chú nhất đó là việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP đã tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt về lề lối, tác phong, thái độ phục vụ. Công tác phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư đã được các địa phương quan tâm. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, xúc tiến thương mại, bảo lãnh tín dụng, vườn ươm doanh nghiệp… được triển khai và nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Công tác cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt, một số thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19/NQ-CP và cam kết đã ký với VCCI như: Thời gian thành lập doanh nghiệp: đa số các tỉnh là 2 ngày (giảm 1 ngày so với cam kết). Có tỉnh chỉ có 1,5 – 1,84 ngày như: Đồng Nai (1,84), Lai Châu (1,5), Hậu Giang(1,5), Hà Tĩnh (1,66)…;
Thời gian thông quan hàng hóa: đa số các tỉnh đều đạt chỉ tiêu Nghị quyết 19 và cam kết đã đề ra là: thời gian qua biên giới dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu; đối với hàng nhập khẩu dưới 12 ngày, trong đó có nhiều tỉnh đạt thời gian tương đối tối ưu như Quảng Ninh đạt: 21 giờ 34 phút 12 giây đối với hàng xuất khẩu và 39 giờ 45 phút 12 giây đối với hàng nhập khẩu; Hà Tĩnh: đạt 4 ngày 12h đối với hàng nhập khẩu và đạt 1 ngày 12 giờ 52 phút đối với hàng xuất khẩu; …
Cùng nằm trong những kết quả nổi bật khi triển khai Nghị quyết 35, đó là mô hình Trung tâm hành chính công được nhiều tỉnh/thành phố tổ chức nhằm giảm thiểu thời gian đi lại và sự phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Các tỉnh/thành phố đều tích cực triển khai thực hiện kê khai nộp thuế điện tử (đa số đạt từ 96-100%), nhất là ở các địa phương như Đồng Nai, Quảng Trị, Gia Lai (đều đạt 100%), Bình Thuận (99,84%), TP. Hồ Chí Minh (99,37%), Cần Thơ (99,51%), Hưng Yên (99,6%), Hà Tĩnh (99%).
Biểu đồ: Tính hiệu quả của các hoạt động của UBND tỉnh/thành phố nhằm cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nguồn:VCCI |
Đặc biệt, việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp được đa số các địa phương quan tâm. Nhiều địa phương đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức đối thoại với doanh nghiệp như: tổ chức đối thoại loại theo loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI theo từng nước), đối thoại trên truyền hình… Đặc biệt mô hình “cà phê doanh nhân” được nhiều tỉnh quan tâm tổ chức nhằm tạo không khí thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp trong đối thoại và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đánh giá của cộng động doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị quyết 35, VCCI cũng cho biết một số kết quả cụ thể:
Đáng chú ý nhất là các Bộ đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hoá nhiều điều kiện kinh doanh vốn được quy định tại cấp thông tư; Ban hành gần 50 nghị định về điều kiện kinh doanh nhằm thực hiện quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014.
Tinh thần của Nghị quyết 35 đã tác động trực tiếp đến kết quả quá trình rà soát này. Những rụt rè, cân nhắc khi đơn giản hoá, bãi bỏ thủ tục hành chính của chính các Bộ ngành đã giảm bớt rất nhiều.
Các cuộc đối thoại, rà soát những cản trở kinh doanh trong nhều lĩnh vực đã được tổ chức, gần đây nhất (ngày 13/5/2017) là cuộc đối thoại trực tiếp với các bộ, ngành về những vướng mắc liên quan đến quản lý của các Bộ: Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường về tiêu chuẩn nước thải; quy định an toàn thực phẩm; phí, lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo đã tháo gỡ cơ bản những kiến nghị mà Hiệp hội các doanh nghiệp quảng cáo đưa ra gần đây.
Một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với doanh nghiệp, đơn cử như: Bộ Tài chính đã thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các Ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất cho vay hợp lý, giảm bớt thủ tục vay vốn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng.
Biểu đồ: Đánh giá về tác động tới doanh nghiệp của các nhóm giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 35 nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nguồn:VCCI |
Bộ Công an đã tích cực triển khai áp dụng visa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, thu hút đầu tư. Bộ Công Thương sau khi rà soát, công bố kết hoạch cắt giảm hơn trăm thủ tục hành chính, trong năm 2016 vừa qua đã chủ động bãi bỏ thông tư 37 về formaldehyde với dệt máy, bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng, bỏ quy hoạch xuất khẩu gạo… và đang lên kế hoạch bãi bỏ, đơn giản hoá rất nhiều thủ tục khác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thời gian qua đã đẩy mạnh việc rà soát, đánh giá chính sách đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các hoạt động đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp (một chỉ tiêu quan trọng được giao trong Nghị quyết 35) được thực hiện thường xuyên tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo khảo sát của VCCI, 57% doanh nghiệp cho biết các tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp hoạt động có tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại công khai với doanh nghiệp, 58% cho biết các tỉnh, thành phố có thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.
Nhìn chung, việc thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghị quyết 35/NQ là một tiến bộ quan trọng, đáng ghi nhận, VCCI cho biết.
Biểu đồ: Đánh giá tác động tới doanh nghiệp của các nhóm giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 35 nhằm đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doan nghiệp. Nguồn:VCCI |
Tất cả các địa phương đã chủ động hoàn tất việc ký kết với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Nghị quyết 35 là tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và các địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực thực hiện nhiệm vụ này. Điều này đã đóng góp quan trọng vào số lượng doanh nghiệp thành lập mới kỷ lục năm vừa qua, trên 110.000 doanh nghiệp, cao nhất về số lượng từ trước đến nay với số vốn đăng ký đạt 891.000 tỷ đồng tăng gần 49% so với cùng ký, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động hơn 26.600 doanh nghiệp, tăng 43%.
VCCI đánh giá đây là một hiệu ứng ban đầu hết sức tích cực thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 35/NQ-CP.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ban đầu được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết. Các nguyên tắc quan trọng của Nghị quyết như “Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm”, “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”, “Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”… đã có tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp, không chỉ cơ quan hành pháp mà kể cả hệ thống tư pháp.
Điều đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết như “kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng” hay “giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ”. Từ đây doanh nghiệp đã mạnh dạn có quyền nêu ý kiến của mình khi đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra hay thực hiện thủ tục hành chính.
Biểu đồ: Đánh giá tác động tới doanh nghiệp của các nhóm giải pháp của các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Nguồn:VCCI |
Chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp trong Nghị quyết
Qua việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của VCCI và nắm bắt tình hình triển khai tại các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cho thấy: Việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra trong Nghị quyết là những giải pháp dài hạn, cả nhiệm kỳ, cần có thêm thời gian để thấy rõ những tác động tích cực, những mặt hạn chế, tuy vậy qua kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này.
Sau gần 1 năm việc triển khai thực hiện nghị quyết còn một số tồn tại, hạn chế chính được VCCI nêu rõ, đó là mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Nghị quyết đã được các bộ ngành, địa phương, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp triển khai sớm, nhưng chưa đến được cấp cơ sở (quận huyện, xã phường) và doanh nghiệp. Còn nhiều doanh nghiệp chưa biết đến Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Một số chỉ tiêu quy định trong Nghị quyết còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy có 37% số doanh nghiệp thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 trở lên trong năm 2016. Trong những doanh nghiệp có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, có 52,4% lượt doanh nghiệp cho rằng nội dung của các cuộc kiểm tra có những nội dung giống nhau. Đáng chú ý là các đợt kiểm tra chuyên ngành, nhất là đối với DN chế biến thực phẩm đang trở thành gánh nặng do phải chịu giám sát của nhiều bộ ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cấp chính quyền địa phương. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cần tăng cường việc kế thừa kết quả kiểm tra giữa các cơ quan để giảm bớt sự chồng chéo trong nội dung kiểm tra…
Đinh Bách
Ý kiến bạn đọc