Bloomberg đã có một bài phân tích về những ảnh hưởng của giá trị châu Á không chỉ trong vụ việc kéo lê hành khách của United Airlines mà còn tới nền kinh tế phương Tây.
Vào hôm 10/4, khi sự cố kéo lê hành khách của United Airlines xảy ra, cổ phiếu của công ty mẹ United Continental Holdings vẫn giữ đà tăng giá.
Có lẽ người Mỹ giận dữ vì cách hãng này đối xử với hành khách nhưng những nhà điều hành hàng không lại cho rằng đây là ngành đặc thù và khách hàng không có nhiều lựa chọn. Các nhà đầu tư đã mặc định khách hàng vẫn sẽ sử dụng dịch vụ của United Airlines như thường lệ.
Tuy nhiên đến ngày hôm sau, điều thú vị đã xảy ra.
United Airlines đang dần cảm nhận được hệ quả từ việc khiến thị trường Trung Quốc bất mãn. Ảnh: Liu Jun. |
Chỉ sau một đêm, báo cáo đã cho thấy các mạng xã hội tại Trung Quốc nổi lên làn sóng phản đối, tẩy chay United Airlines. Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc cho rằng hành khách trên bị ngược đãi bởi ông là người châu Á.Trong buổi sáng, cổ phiếu của United mất giá 4%, khiến hãng này mất gần 1 tỷ USD.
Lên thác, xuống ghềnh vì khách hàng châu Á
Sự việc trông có vẻ tình cờ, nhưng nếu theo dõi, rất nhiều tập đoàn, công ty toàn cầu đã "lên thác xuống ghềnh" vì khách hàng châu Á.
Theo ông Adam Carstens từ PQ Partners, trong 15 năm tới phần lớn chi tiêu của tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ đến từ châu Á. Các công ty đa quốc gia từ Mỹ sẽ phải lấy tầng lớp trung lưu châu Á làm trọng tâm trong chiến lược phát triển.
Starbucks vừa thông báo họ sẽ cũng cấp cho lao động Trung Quốc bảo hiểm y tế có bao gồm cả cha mẹ của người lao động, vừa để thu hút nhân tài, vừa thể hiện sự thấy hiểu văn hóa phương Đông. Hãng này cũng cố gắng thể hiện mình là một "thương hiệu Trung Quốc" trong mắt người tiêu dùng nước này.
Hollywood cũng đã hướng tới, hay nhiều người dùng từ "chăm bẵm", khán giả Trung Quốc trong nhiều năm gần đây.
Khi mà doanh số DVD tụt dốc thảm hại với sự xuất hiện của các dịch vụ xem phim qua mạng, các xưởng phim Hollywood đã tập trung hơn vào các bộ phim mang nặng tính lợi nhuận và phát hành toàn cầu với hy vọng sẽ bù đắp cho nguồn thu mất đi từ việc bán DVD nhờ doanh số vé tăng lên.
Làm phim phục vụ khán giả Trung Quốc hay làm ra những sản phẩm riêng phục vụ khách hàng châu Á là một chuyện, nhưng khi người tiêu dùng Mỹ và các thể chế kinh tế Mỹ buộc phải thích nghi theo các giá trị châu Á, căng thẳng có thể sẽ gia tăng. Thung lũng Silicon không lạ lẫm gì với những mâu thuẫn kiểu như vậy.
Thích nghi với các giá trị châu Á
Google từng chật vật để cân bằng giữa việc tiếp cận thị trường Trung Quốc với yêu cầu của nước này về kiểm duyệt nội dung.
Facebook cũng bị chặn ở quốc gia đông dân nhất thế giới dù hãng này tốn không ít công sức như việc CEO của Facebook, Mark Zuckerberg, đã học tiếng Trung và gặp gỡ nhiều quan chức Trung Quốc.
Hàng tá các công ty công nghệ sừng sỏ khác như eBay, Uber đều thử sức và bật bãi tại thị trường 1,3 tỷ dân.
Câu chuyện không dừng lại trong biên giới Trung Quốc. Chuyên gia Justin Fox của Bloomberg View cho hay việc gia tăng lượng du học sinh Trung Quốc tại các trường đại học, cao đẳng Mỹ đã giúp các đơn vị này giải quyết vấn đề về ngân sách. Trong khi nhiều trường khu vực đông bắc hay tây Mỹ vẫn chật vật cân bằng tính đa dạng nhân chủng của sinh viên, nhiều trong số này vẫn sẽ phải nhận thêm sinh viên từ châu Á.
Sự phân hóa sẽ dần trở nên rõ rệt. Hãy tưởng tượng trong tương lai các cuộc biểu tình trong trường đại học sẽ được dẫn dắt không phải bởi những sinh viên Mỹ yêu tự do, thể hiện giá trị tự do của Mỹ, mà bởi những sinh viên châu Á.
Khi hai nhóm này hòa nhập, giá trị của nhóm nào sẽ thắng? Liệu kết quả có thay đổi không khi tỷ lệ học sinh Trung Quốc tăng từ 40% lên 80%?
Va chạm về giá trị văn hóa và các hệ quả dường như đang là xu hướng nổi lên tại Mỹ. Chúng ta từng chứng kiến các công ty hay các giải đấu thể thao đe dọa "cạch mặt" với chính quyền các bang khi quan điểm của chính quyền bang về quyền của người đồng tính không chung đường với quan điểm của các công ty, giải đấu trên.
Tương tự, CEO của các tập đoàn cũng gặp rắc rối trong giai đoạn ông Donald Trump mới nhậm chức khi các CEO đã phần nào bị ảnh hưởng bởi các giá trị châu Á gặp mặt một tân tổng thống mang nặng giá trị Mỹ.
Thời mà các công ty không dính dáng gì tới giá trị văn hóa và chính trị đã đi vào quá khứ. Khi mà nhu cầu của khách hàng ngày một tăng cao, đòi hỏi sản phẩm họ mua từ một doanh nghiệp phải phản ánh giá trị văn hóa rõ rệt, câu hỏi được đặt ra là: Giá trị văn hóa của bên nào sẽ được các công ty ưu tiên? Của số đông khách hàng? Của nhân viên? Hay của quốc gia khởi đầu?
Những câu hỏi này được trả lời như thế nào sẽ không chỉ quyết định thương hiệu nào thắng trên thị trường mà còn quyết định giá trị văn hóa của phe nào sẽ lan ra khắp thế giới.
Theo Zing
Ý kiến bạn đọc