(VnMedia) - Sản lượng của tập đoàn Samsung tại Việt Nam sụt giảm đã góp phần làm giảm 10,7% hoạt động xuất khẩu mặt hàng điện thoại và phụ kiện, kéo ngành sản xuất điện tử đi xuống. Tuy vậy, các nhà sản xuất vẫn còn rất tự tin vào tình hình sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới nhờ vào kỳ vọng đơn hàng mới sẽ nhiều hơn và các kế hoạch mở rộng kinh doanh
Nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, ngân hàng HSBC cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam đang chịu nhiều áp lực. GDP quý I/2017 của Việt Nam tăng trưởng chậm ở mức thấp của ba năm qua, chỉ đạt 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh các ngành đều tăng trưởng chậm, lực cản của ngành khai thác đá và quặng càng xấu thêm trong ba tháng đầu năm, có thể là do tập hợp nhiều nguyên nhân như than giảm giá và thuế suất áp cho các nguồn nguyên liệu tự nhiên cao hơn (chính thức áp dụng vào ngày 1/7/2016), sản lượng từ các mỏ dầu đang giảm sút cũng như chi phí sản suất cao hơn do các lớp than dễ tiếp cận đang ngày càng cạn kiệt.
Mức tăng trưởng chậm của các ngành này đang được ngành sản xuất phát triển tốt bù đắp lại, mặc dù vẫn không thực sự tốt như đã từng thấy trong các quý trước một phần là do tập đoàn Samsung đã ngưng sản suất các mặt hàng điện thoại. Sản lượng của tập đoàn Samsung tại Việt Nam sụt giảm đã góp phần làm giảm 10,7% hoạt động xuất khẩu mặt hàng điện thoại và phụ kiện, kéo ngành sản xuất điện tử đi xuống (Bloomberg, 29/3/2017).
Ảnh minh họa |
Trong quý I/2017, tăng trưởng ngành sản xuất của Việt Nam giảm sút. Đặc biệt, trong tháng 3, ngành xuất khẩu lại bị ảnh hưởng nặng nề khi tập đoàn sản xuất điện thoại hàng đầu (Samsung) ngừng các dây chuyền sản xuất khiến các lô hàng xuất khẩu chủ chốt là điện thoại và phụ tùng thay thế đã giảm mạnh.
Theo đó, các lô hàng xuất khẩu điện thoại và phụ kiện – mặt hàng đem lại doanh thu xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – trong tháng 3/2017 đã giảm 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, theo ngân hàng HSBC dự báo, ngành sản xuất sẽ sớm hồi phục nhờ vào việc tung sản phẩm mới và nhu cầu toàn cầu sẽ dần hồi phục – thông tin này đang được thể hiện trong kết quả khảo sát chỉ số PMI về việc đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng.
Theo đó, đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã đạt mức tăng nhanh nhất trong năm 2017. Thêm nữa, các nhà sản xuất vẫn còn rất tự tin vào tình hình sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới nhờ vào kỳ vọng đơn hàng mới sẽ nhiều hơn và các kế hoạch mở rộng kinh doanh. Điều quan trọng là mức tăng nhân công việc làm gần đạt mức kỷ lục báo hiệu ngành sản xuất sẽ tốt hơn khi chỉ số này thể hiện mức độ lạc quan về công việc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian ngắn.
Ngành sản xuất vì vậy sẽ có thể đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong những quý tới đây. Ngoài ra, lạm phát đang dần hạ nhiệt do lạm phát giá lương thực thực phẩm không tăng ngay cả khi giá nhiên liệu và chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục đang tăng cao.
Trong tháng 3/2017, lạm phát toàn phần đã hạ nhiệt thêm từ mức 5% trong tháng trước xuống còn 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng một nửa mức tăng (tương ứng 2.3 điểm) có được là nhờ chi phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng do Chính phủ lên lịch tăng phí dịch vụ y tế và giáo dục. Yếu tố vận chuyển đã giảm phát trong hai năm qua cho đến tháng 12/2016 đã tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí năng lượng tăng cao. Trong khi đó, lạm phát cơ bản đã tăng mạnh 1,6% so với năm ngoái từ mức tăng 1,5% trong tháng trước. Nói tóm lại, lạm phát lương thực thực phẩm giảm đang giữ cho tình hình lạm phát nói chung nằm trong vòng kiểm soát.
Từ những phân tích tình hình, HSBC cho rằng việc tăng trưởng GDP chậm lại trong quý I/2017 chỉ là một sự bước lùi nhỏ và lĩnh vực sản xuất sẽ có nhiều khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong những quý sắp tới.
Cũng theo HSBC, kết quả tăng trưởng GDP thể hiện mức độ nhạy cảm của nền kinh tế đối với quy trình sản xuất, đặc biệt là là lĩnh vực công nghệ cao. Để gia tăng việc mở rộng tăng trưởng và giúp làm giảm tình hình biến động sản lượng kinh tế thì Chính phủ cần phải có nhiều cuộc cải tổ, đặc biệt là liên quan đến hiệu quả của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước và sự ra đời các chính sách tài khóa.
Đinh Bách
Ý kiến bạn đọc