Không phải Trung Quốc không có công nghệ cao, hiện nay họ đang là nước đứng đầu thế giới về sản xuất robot, nhưng chính điều này cũng khiến cho Trung Quốc phải dịch chuyển công nghệ rẻ tiền sang Việt Nam.
Không chỉ là “tai tiếng”
Theo lý giải của TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR) – Trung Quốc đang trong tình trạng dư thừa vốn, giá lao động của quốc gia này cũng đã tăng lên rất nhanh. Do vậy, nhu cầu dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc không chỉ đến từ các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc mà từ chính các doanh nghiệp của Trung Quốc. Điều đó lý giải vì sao vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng lên.
“Về khía cạnh nhà đầu tư, họ có quyền đến để kinh doanh và chúng ta tiếp nhận họ như những nhà đầu tư khác, miễn sao họ chấp hành đầy đủ các quy tắc".
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng bày tỏ mối lo ngại trước việc doanh nghiệp Trung Quốc đem công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam, mặc dù vấn đề này đã được nói nhiều từ nhiều năm trước. Không phải Trung Quốc không có công nghệ cao, hiện nay họ đang là nước đứng đầu thế giới về sản xuất robot, nhưng chính điều này cũng khiến cho Trung Quốc phải dịch chuyển công nghệ rẻ tiền sang Việt Nam.
Lý giải vì sao Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển cho rằng chúng ta vẫn mang tư duy nhiệm kỳ, với tư tưởng phải tăng trưởng kinh tế, hậu quả thì nhiệm kỳ sau lại phải gánh...
“Đấy là tư duy rất nặng nề và chúng ta vẫn phê phán nhưng không thay đổi. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tiếp tục nhận công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc, đặc biệt là khi Trung Quốc chủ trương chuyển sang nền kinh tế hướng đến công nghệ cao. Sự tồn kho về những công nghệ sản xuất lạc hậu sẽ buộc Trung Quốc phải đẩy đi, nếu không cảnh giác Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc,” ông Trương Đình Tuyển cảnh báo.
Made in Vietnam, Trung Quốc thu lợi
Đồng tình với những lý giải trên, nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng còn có lý do về thị trường. Trung Quốc có thặng dư thương mại với hầu hết các nước, nên để tránh bị “mang tiếng” với các nước đối tác lớn, Trung Quốc cũng đang cố gắng dịch chuyển phần sản xuất của mình ra nước ngoài. Khi doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang sản xuất ở Việt Nam, hàng hóa của họ nghiễm nhiên được gắn mác “Made in Vietnam”. Thực tế Việt Nam đã phải nhận bài học khi mới đây Hoa Kỳ và Australia để ngỏ khả năng kiện đối với mặt hàng thép của Việt Nam xuất khẩu sang các nước này. Cả Hoa Kỳ và Australia nghi ngờ về khả năng sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam có phải là do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hay không.
“Nếu như đó là sản phẩm thép được sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc đặt tại Việt Nam hay thép nhập khẩu từ Trung Quốc rồi gia công một tí cho có thì nguồn lợi thuộc về Trung Quốc, tai tiếng thuộc về Việt Nam” bà Phạm Chi Lan nói.
Như vậy, khi doanh nghiệp Trung Quốc hướng sang đầu tư ở Việt Nam, ngoài nhu cầu bán thanh lý máy móc, công nghệ, còn có vấn đề về thị trường. Bởi Việt Nam vừa trực tiếp là thị trường tiêu thụ hàng cho Trung Quốc, đồng thời cũng có thể là thị trường trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc. Hàng hóa được gắn nhãn “Made in Vietnam” nhưng có thể là “Made in Vietnam, by China” do Trung Quốc làm ở Việt Nam để xuất khẩu đi.
Nói về câu chuyện này, từ vài năm trước TS. Lê Đăng Doanh đã kể một câu chuyện đầy hàm ý mà một người bạn Mỹ nói với ông: “Các bạn Việt Nam thật tốt bụng, các bạn lái một chiếc xe hơi 7 chỗ sang Mỹ và cho người ngồi nhờ. Sang đến nơi, có 6 người đi nhờ xuống xe, họ là người Trung Quốc. Chỉ có duy nhất 1 người Việt Nam là ông tài xế.”
“Ở một góc độ khác, chuẩn môi trường ở Việt Nam khá thấp, khi Trung Quốc tăng chuẩn môi trường lên, những nhà máy không đạt chuẩn mới sẽ được đưa sang những nước sẵn sàng tiếp nhận", chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.
TS. Võ Trí Thành cho rằng Trung Quốc vẫn còn là mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu, mối ràng buộc về kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là rất lớn. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã lớn hơn đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc. Do vậy, bài toán giữa Việt Nam với Trung Quốc là bài toán phức tạp hơn nhiều so với câu chuyện thâm hụt thương mại. Vấn đề là chính chúng ta, chúng ta vẫn có thể ngăn chặn công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc tràn sang bằng cách nâng chuẩn về môi trường lên, chúng ta phải tăng cường giám sát, không mải mê chạy theo tăng trưởng. Đó là vấn đề chính chúng ta lựa chọn.
“Việt Nam vẫn ứng xử với nhà đầu tư Trung Quốc theo đúng cam kết mở cửa. Thế nhưng những vấn đề liên quan đến chất lượng công nghệ, thời gian thi công, môi trường, thì Việt Nam hoàn toàn có quyền lựa chọn. Vấn đề là anh có làm hay không. Không phải chỉ đầu tư từ Trung Quốc, bất kỳ doanh nghiệp nước nào vào Việt Nam cũng thế,” TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh. Không phải Trung Quốc không có công nghệ cao, hiện nay họ đang là nước đứng đầu thế giới về sản xuất robot, nhưng chính điều này cũng khiến cho Trung Quốc phải dịch chuyển công nghệ rẻ tiền sang Việt Nam.
(Theo Ictnews)
Ý kiến bạn đọc