Hàn Quốc chuyển dịch vốn sang Việt Nam: Ngành nào sẽ lên ngôi?

13:32, 14/04/2017
|
(VnMedia) - Ông Park Chul Ho, Tổng giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội cho rằng, với những lợi thế đang có, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chuyển vốn đầu tư mạnh sang Việt Nam dưới hình thức thương mại hóa ngành dịch vụ chế tạo.
 
Doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao thị trường Việt Nam
 
Theo số liệu công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong quý 1/2017, cả nước đã có 493 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,917 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.  Trong đó, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 3,74 tỷ USD, chiếm 48,61% tổng vốn đầu tư.
 
Trong khi đó, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong quý 1/2017, tính riêng dự án Samsung Display Việt Nam đã điều chỉnh tăng vốn đăng ký thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh, đưa mức vốn đăng ký của Hàn Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tương đương 48,6% tổng vốn đăng ký. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp vốn FDI đăng ký bổ sung tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay.
 
Chia sẻ với báo chí về dòng vốn này, ông Park Chul Ho, Tổng giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội cho biết, Việt Nam là thị trường tiềm năng và là mối quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện dòng vốn Hàn Quốc đang chuyển dịch sang Việt Nam và sóng này đang diễn ra và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới qua các hoạt động rót vốn đầu tư, hoạt động M&A…
 
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng gần 90 lần. Ảnh minh họa
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng gần 90 lần. Ảnh minh họa
Cũng theo ông Park Chul Ho, Việt Nam rất phát triển ngành công nghiệp chế tạo, đây là xu hướng toàn cầu. Xu hướng không chỉ sản xuất bán nội địa mà sẽ xuất khẩu. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực chế tạo, đặc biệt là dịch vụ chế tạo. “Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư mạnh mẽ sang Việt Nam theo hình thức thương mại hóa ngành chế tạo”, Tổng giám đốc KOTRA nhấn mạnh.
 
Đưa ra lý do đầu tư Hàn Quốc tăng mạnh vào Việt Nam,  ông Park Chul Ho cho rằng, Việt Nam là một thị trường được đánh giá rất tiềm năng. Đặc biệt tăng trưởng luôn giữ ở mức cao, bất chấp thế giới khủng hoảng. Cùng với đó, những chính sách của Chính phủ được duy trì theo hướng cải thiện môi trường đầu tư, cởi mở nên thu hút được nhiều các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc. 
 
“Doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá rất cao về triển vọng phát triển tại thị trường Việt Nam, một thị trường giàu tiềm năng, nhiều nội lực với tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 6 - 7% và dân số gần 100 triệu người”, Tổng giám đốc KOTRA nhấn mạnh.
 
Kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc tăng gấp 90 lần
 
Trả lời báo chí về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương cho biết, quan hệ thương mại hai nước trong những năm qua phát triển hết sức mạnh mẽ. 
 
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Sơn cho biết, từ khi thiết lập ngoại giao với Hàn quốc (năm 1992 đến nay), kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng gần 90 lần. Đặc biệt, Hiệp định thương mại song phương FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ tháng 12/2015 là nỗ lực hữu hiệu, tiếp nối cho cả quá trình về quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.
 
Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cũng cho biết, qua theo dõi, trong hơn 1 năm thực hiện Hiệp định), quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển rất mạnh mẽ. Năm 2016, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc tăng với tốc độ 27%. Đây là kết quả đáng mừng so với các thị trường khác.
 
Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng 15%. Về cơ cấu, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đa phần là hàng nông sản, chế biến, dệt may, giày dép. Vì vậy, để tăng được kim ngạch tốc độ 27% là nổ lực hết sức lớn.
 
Một điều sáng nữa cũng được Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại đưa ra là, tốc độ tăng trưởng vốn khi Hàn Quốc luôn giữ vị trí nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. 
 
“Chúng tôi đánh giá kết quả này không hoàn toàn là nhờ vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, vì đó là kết quả của một quá trình hết sức dài trong 25 quan hệ hợp tác, cũng như sự nổ lực của Chính phủ hai nước và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng không thể phủ định FTA đã tạo ra môi trường thông thoáng, tạo ra niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất kinh doanh, khi mà Chính phủ hai nước đã có nhưng cam kết hỗ trợ mạnh mẽ”, ông Sơn nhấn mạnh.
 
Với những tiềm năng và lợi thế 25 năm quan hệ ngoại giao, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, năm nay, Hàn Quốc đã là quốc gia danh dự của Hội chợ thương mại lớn nhất Việt Nam - Vietnam Expo 2017, với số lượng doanh nghiệp tham gia kỷ lục lên tới 138 gian hàng. Đặc biệt, các đơn vị này sẽ 'phô diễn' những mặt hàng chủ lực được nhiều người tiêu dùng ưu chuộng như mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị điện tử - điện dân dụng... Với kỳ vọng mở rộng thị trường, tăng cường đầu tư, tiến xa trên thương trường quốc tế.
 
'So kè' với các công ty Hàn Quốc, Vietnam Expo 2017 cũng đón nhiều doanh nghiệp lớn tiềm năng và đạt thương hiệu Quốc gia của Việt Nam. Trong đó có thể kể đến những cái tên như Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty cổ phần nhựa Duy Tân, TH True Milk...
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc