Xu hướng “sống ảo” trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân khiến các địa điểm du lịch nổi tiếng trở nên quá tải.
1. Iceland
Du khách tới Iceland đã tăng nhanh trong vài năm vừa qua và một trong những lý do là hiệu ứng của bộ phim Game of Thrones, khi nhiều người muốn có cơ hội chụp ảnh tại những phong cảnh xuất hiện trong bộ phim này. Ngoài ra, các chuyến bay giá rẻ và chiến lược quảng bá hiệu quả cũng giúp quốc đảo này trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng.
Số lượng du khách gần như tăng gấp đôi từ 566.000 lên hơn 1 triệu người trong thời gian giữa năm 2011 và 2015, theo cơ quan du lịch Iceland. Năm 2016, số người Mỹ tham quan đất nước này đã vượt xa dân số cư dân sở tại.
Trong khi lượng du khách tăng giúp thúc đẩy kinh tế phát triển sau thời kỳ suy thoái, nó cũng khiến giá cả tăng cao và gây áp lực lên cơ sở hạ tầng. Người dân địa phương phàn nàn du khách đã phá hủy hệ sinh thái và bỏ lại rác tại các khu bảo tồn tự nhiên.
2. Cuba
Theo Bộ Du lịch Cuba, 4 triệu du khách đã tới quốc gia này trong năm 2016, tăng 13% so với năm trước đó. Du lịch bùng nổ đã gây ra một số hậu quả với người dân địa phương như thiếu thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu.
Chính phủ Cuba đã nhận biết được tình hình và họ đã đưa ra những hạn chế về giá cả giúp giảm áp lực cho người dân. Nhưng điều này chỉ khiến những người bán hàng đưa sản phẩm của họ ra chợ đen.
3. New Zealand
New Zealand nổi tiếng với những phong cảnh nguyên sơ và được sử dụng làm bối cảnh cho các bộ phim bom tấn như “Chúa tể của những chiếc nhẫn"và "The Hobbit". Ngành du lịch là một phần quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia này, khi đóng góp khoảng 9,7 tỷ USD vào GDP mỗi năm và thuê 7,5% lực lượng lao động.
Nhưng người dân địa phương phàn nàn rằng du khách thường không tôn trọng môi trường khi họ có thể cắm trại và khám phá bất cứ đâu họ muốn. New Zealand cũng không có đủ cơ sở hạ tầng để giải quyết rác thải từ du khách. Lượng du khách tăng khiến khách sạn, bãi đỗ xe và nhà vệ sinh công cộng trở nên quá tải.
4. Tulum, Mexico
Với bãi biển cát trắng và khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, thị trấn biển Tulum trở thành thiên đường của những du khách thích “sống ảo” và người nổi tiếng.
Tuy nhiên, số lượng du khách đông khiến thị trấn phải đối mặt với tình trạng quá tải. Các khách sạn địa phương gây ô nhiễm hệ sinh thái và xả nước thải trực tiếp ra sông. Một nhà hoạt động bảo vệ môi trường miêu tả, du lịch như “quả bom hẹn giờ” và giải thích rằng không có cách xử lý nào hiệu quả với rác bị bỏ lại giữa rừng.
5. Macchu Pichu, Peru
Khu di tích Macchu Picchu đón tối đa 2.500 du khách/ngày theo quy định của Paru và tổ chức UNESCO. Nhưng con số này đã bị vượt xa từ năm 2011, với gần 1,3 triệu người tới địa điểm này vào năm 2015.
Số lượng du khách quá đông đã gây hại cho các di tích cổ ở Macchu Picchu và chính phủ Peru hiện tại phải đưa ra kế hoạch mới để giảm lượng khách tham quan. Từ năm 2019, du khách tới khu di tích này phải có hướng dẫn viên và đi theo tour của nhà tổ chức.
6. Santorini, Hi Lạp
Hòn đảo Santorini nổi tiếng với những ngôi nhà sơn trắng trên sườn đồi nhìn xuống biển. Chúng trở thành cảnh nền lý tượng dành cho những du khách thích “sống ảo”.
Vào năm 2015, lượng tàu du lịch tăng kỷ lục ở đây với 10.000 du khách tham quan mỗi ngày vào các tháng cao điểm mùa hè. Điều này đã khiến chính quyền địa phương phải ra quy định cho phép lượng du khách tối đa tới đảo Santorini là 8.000 người/ngày.
7. Pig Beach, Bahamas
Đàn lợn hoang dã đã từ lâu trở nên nổi tiếng trên bãi biển Pig Beach ở Bahamas. Vào tháng 2.2017, ít nhất 7 chú lợn được phát hiện chết tại đây và các báo cáo ban đầu cho thấy chúng đã được du khách cho ăn và uống chất có cồn.
Tạp chí National Geographic sau đó cho rằng nguyên nhân khiến lợn chết là do ăn cát, nhưng du khách cũng chịu một phần trách nhiệm. Cuộc điều tra của tổ chức nhân đạo Bahamas cáo buộc, loại động vật này đã bị phụ thuộc vào đồ ăn từ con người và thay đổi lối sống tự nhiên.
Theo Dân Việt
Ý kiến bạn đọc