Người tiêu dùng kết nối và cách tiếp cận của doanh nghiệp du lịch

08:30, 25/07/2017
|

(VnMedia)- Có một điều chắc chắn không thể phủ nhận là du lịch trực tuyến là xu hướng của thời đại công nghệ. Để thích ứng và tồn tại được những doanh nghiệp lữ hành đều phải tự update để hút du khách đến với mình!

Tăng trưởng của ngành dịch vụ, điểm sáng về sự chuyển dịch của cơ cấu vĩ mô

Theo thống kê về tình hình kinh tế xã hội- quý ! năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy sự tăng trưởng của ngành dịch vụ là một điểm sáng về sự chuyển dịch cơ cấu vĩ mô. Theo đó, trong quý 1, tăng trưởng của ngành dịch vụ lên tới 5,1%, đây được ghi nhận là sự tăng trưởng dịch vụ cao nhất theo quý tính từ năm 2010.

Trong sự tăng trưởng này, theo Nielsen, có một điều không thể chối bỏ là một khái niệm mới về người tiêu dùng đã và đang hình thành: người tiêu dùng kết nối.

 Xu hướng này cũng không là ngoại lệ ở Việt Nam.

Theo đó, Nielsen dự báo, nếu năm 2017 có 23 triệu người Việt Nam lựa chọn tiêu dùng qua những cú click chuột thì đến năm 2025 con số này đã tăng lên 40 triệu người, chi tiêu hàng năm của năm 2017 là 50 tỷ USD, năm 2025 sẽ cho bạn con số kinh ngạc, 99 tỷ USD.

Các báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra rằng, xu hướng kết nối khiến người tiêu dùng tự tin hơn trong kỷ nguyên số hóa.

 Cũng giúp cho người tiêu dùng lạc quan hơn. Nếu tính ở chỉ số lạc quan này, người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu.

 Cách tiếp cận du lịch trực tuyến ngày càng quan trọng!

Chính bởi có sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng từ trực tiếp qua kết nối mạng, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch vì thế cũng thay đổi theo. 

Theo báo cáo của tập đoàn Nielsen, doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 đạt 565 tỉ USD, tăng 13,8%. Châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh là hai thị trường góp phần chủ yếu cho sự tăng trưởng ấn tượng này. Thậm chí, Neilson dự báo trong năm 2017, châu Á-Thái Bình Dương sẽ lần đầu tiên vượt qua Bắc Mỹ, trở thành thị trường du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới. Động lực chính cho sự soán ngôi này nằm ở khu vực Đông Nam Á.

Số liệu báo cáo về nền kinh tế điện tử của khu vực Đông Nam Á do Google và Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) thực hiện vào năm 2016 cũng dự báo quy mô thị trường du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng trưởng gấp 4 lần, từ doanh thu 21,6 tỉ USD năm 2015 tới chạm mức 90 tỉ USD vào năm 2025. Đáng chú ý, Việt Nam chiếm khoảng 10% doanh số này, tương đương với gần 9 tỉ USD.

Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc nhận định, dân số trẻ ở Đông Nam Á, điển hình như Việt Nam, có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự phát triển của truyền thông xã hội đã làm thay đổi đáng kể thị trường du lịch. Các công ty lữ hành buộc phải thay đổi cách kinh doanh, từ đón khách hàng trực tiếp tại văn phòng, đại lý,... sang kinh doanh trực tuyến, chốt tour chỉ sau vài cú click chuột.

Chính vì vậy cách thức tiếp cận trực tuyến càng ngày sẽ càng quan trọng với ngành du lịch. Khi mà một người sử dụng dịch vụ chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội, cơ hội lan tỏa của nó đến với những du khách mới vô cùng lớn. 

Và để thu hút được du khách, các doanh nghiệp buộc phải vận dụng tối ưu các kênh chia sẻ từ mạng xã hội từ đó có những chiến lược marketing hiệu quả tiệm cận đến nhu cầu thực tế của các du khách. 

Trúc Dân


Ý kiến bạn đọc