Xe buýt nhanh nhưng soát vé... chậm

09:05, 21/12/2016
|

(VnMedia) - Từ ngày 1/1/2017, tuyến xe buýt nhanh Hanoi BRT đầu tiên sẽ đi vào vận hành. Hiện, người dân Thủ đô đang chờ đón phương tiện công cộng mới mẻ này, nhất là trong 1 tháng đầu chạy thử nghiệm, người dân được miễn phí. Tuy nhiên, dù chưa chính thức đi vào khai thác, tuyến xe buýt nhanh Hanoi BRT đã bộc lộ những hạn chế...

Xe buýt nhanh nhưng soát vé... chậm

Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dù từ 1/1/2017 Hanoi BRT được đưa vào chạy thử nghiệm nhưng hiện vẫn chưa đảm bảo thực hiện đồng bộ các mục tiêu đề ra (chưa có hệ thống soát vé tự động).  Trong giai đoạn đầu, việc bán và soát vé tại nhà chờ sẽ do Tổng công ty vận tải Hà Nội tổ chức thực hiện. 

HỢP PHẦN XBN HANOI BRT SẼ HOÀN THÀNH CÔNG TÁC THỬ NGHIỆM VÀO NGÀY 31/12/2016 VÀ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO KHAI THÁC VẬN HÀNH TỪ 01/01/2017
Hợp phần xe buýt nhanh Hanoi BRT sẽ hoàn thành công tác thử nghiệm vào ngày 31/12/2016 và chính thức đưa vào khai thác vận hành từ ngày 1/1/2017.

Chính vì vậy, trong thời gian vận hành thí điểm đoàn xe BRT trong năm 2017, các thiết bị phụ trợ, thông tin hành khách trên tuyến và việc kết nối làn sóng xanh ưu tiên xe BRT, hệ thống vé tự động sẽ tiếp tục được rà soát và đầu tư đồng bộ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của tuyến BRT một cách có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cùng Công an Thành phố tiếp tục đánh giá tình trạng thực tế giao thông trên tuyến để từng bước hoàn thiện phương án tổ chức giao và phương án tổ chức vận hành trên tuyến cho phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế sự ảnh hưởng đi lại của người dân trong khu vực.

Trong buổi họp báo chính thức mới đây để công bố về lộ trình hoạt động của Hanoi BRT, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã bày tỏ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp Lãnh đạo, sự phối hợp của các cơ quan liên quan, sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông và báo chí cùng sự nhiệt tình tham gia hưởng ứng một loại hình vận tải mới lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam của người dân để có thể triển khai vận hành tuyến Hanoi BRT thí điểm một cách thuận lợi và hiệu quả nhất, mang đến loại hình vận tải hành khách công cộng mới, hiện đại, tin cậy góp phần nâng cao năng lực vận tải công cộng cho Thủ đô Hà Nội.

Chi tiết phương án vận hành của Hanoi BRT

Theo cung cấp của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, chỉ tiêu vận hành, thời gian phục vụ của tuyến: 17 giờ (5h00 đến 22h00); tần suất phục vụ: ngày thường: 5-10-15 phút/ lượt; ngày chủ nhật: 7-10-15 phút/lượt; Lượt xe hoạt động/ngày: ngày thường: 358 lượt, ngày chủ nhật: 264 lượt; phương tiện sử dụng: số xe kế hoạch: 24 xe, số xe vận doanh ngày thường: 20 xe, số xe vận doanh ngày chủ nhật: 14 xe; cự ly tuyến: 14,77 km.

Giá vé: Thực hiện theo Quyết định 18/2014/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 của UBND Thành phố: vé lượt: 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường; vé tháng: áp dụng như vé tháng của xe buýt thông thường; Miễn phí vé cho hành khách sử dụng tuyến xe buýt nhanh BRT trong thời gian vận hành 01 tháng từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/01/2017.

Nhà chờ xe buýt nhanh Hoàng Đạo Thúy.
Nhà chờ xe buýt nhanh Hoàng Đạo Thúy.

Về điều chỉnh mạng lưới tuyến buýt hiện tại để kết nối với tuyến BRT: Điều chỉnh lộ trình tuyến buýt số 22 để giảm trùng lặp với tuyến BRT trên trục Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương; Điều chỉnh 04 tuyến để tăng kết nối, mở rộng vùng phục vụ, gồm tuyến vòng gom khách số 09 (Bờ Hồ - Bờ Hồ) để kết nối với tuyến BRT tại nhà chờ Vũ Ngọc Phan, tuyến vòng gom khách số 18 để kết nối với tuyến BRT tại điểm đầu cuối tại Nhà Chờ Kim Mã, điều chỉnh một số lượt tuyến 19 mở rộng vùng phục vụ tới công viên Thiên Đường Bảo Sơn, khu đô thị Dương Nội để gom khách cho tuyến BRT, điều chỉnh lộ trình tuyến buýt 50 để tăng cường kết nối với tuyến BRT và giảm trùng lặp với tuyến 22 sau khi điều chỉnh khỏi hành lang tuyến BRT.

Tổ chức điều chỉnh điểm dừng đỗ các tuyến buýt qua Kim Mã và điều chỉnh các điểm dừng đỗ của tuyến buýt thông thường đi qua các đường ngang nhằm kết nối mạng với tuyến BRT tạo thuận lợi cho hành khách chuyển tuyến. Cụ thể:

Tại điểm đầu cuối Kim Mã: Trên cơ sở các tuyến đề xuất điều chỉnh lộ trình và hiện trạng bố trí dừng đỗ tại điểm dừng quanh tòa nhà Kim Mã (3 điểm) đề xuất bố trí dừng đón trả khách 1 chiều từ Kim Mã - Giảng Võ cho 4 tuyến tại Nhà chờ BRT gồm: 18; 25 và 33, 90 (Điều chỉnh rẽ vào vào tòa nhà Kim mã, kết nối trực tiếp tại nhà chờ). Tại điểm dừng trước của tòa nhà PTA Kim Mã (Mặt đường Kim mã) bố trí dừng đón trả khách cho các tuyến hướng đi thẳng Kim Mã - Nguyễn Thái Học gồm 5 tuyến 22; 32; 34; 38 và 50. Đồng thời thu hồi 2 điểm dừng xe buýt tại vị trí Nhà Sách Tiền Phòng - Đường Nguyễn Thái Học và điểm dừng đầu đường Giảng Võ (sát tường rào tòa nhà PTA Kim Mã)

Tại điểm đầu cuối Yên Nghĩa: các tuyến buýt đầu cuối hiện nay tại Yên Nghĩa đã kết nối tốt với nhà chờ đầu cuối của tuyến BRT, gồm 6 tuyến 01; 02; 19; 21; 27 và tuyến 62. Dọc tuyến BRT, bố trí điểm dừng đón trả khách các tuyến buýt thường, đảm bảo kết nối trung chuyển tuyến với 21 nhà chờ của tuyến BRT. Đối với 6 trục đường giao cắt có các tuyến xe buýt hoạt động: bổ sung 01 cặp điểm dừng tại vị trí 162 Khuất Duy Tiến và vị trí đối diện 162 Khuất Duy Tiến (Nút giao Lê Văn Lương - Khuât Duy Tiến.

Trong điều kiện năng lực vận tải công cộng của Thủ đô Hà Nội còn nhiều hạn chế, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, dẫn đến khả năng gia tăng ùn tắc giao thông trong thời gian tới, việc đưa tuyến xe buýt nhanh Hanoi BRT vào vận hành thí điểm từ 01/01/2017 đúng dịp đón năm mới 2017 và Tết Nguyên đán Đinh Mùi vừa đảm bảo nâng cao năng lực giao thông công cộng, góp phần giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, vừa giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông trong khu vực, đáp ứng được đúng tiến độ thực hiện dự án theo Hiệp định ký kết với Ngân hàng thế giới.

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc