Sơ đồ tuyến xe buýt nhanh Hà Nội du khách nên bỏ túi

14:16, 20/12/2016
|

(VnMedia)- Từ ngày 1/1/2017, xe buýt nhanh Hanoi BRT chính thức vận hành. Thời điểm đưa Hanoi BRT đi vào hoạt động cũng chính là dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch, đây là cơ hội để cho người dân cũng như du khách thử nghiệm loại phương tiện công cộng mới mẻ này.

Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội,  tuyến xe buýt nhanh Hanoi BRT (từ Bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã) là tuyến thí điểm, lần đầu tiên áp dụng thử nghiệm tại Việt Nam có chiều dài khoảng 14,7 km qua 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông.

Lộ trình đi của tuyến: Bến xe Yên Nghĩa – Quang Trung – Lê Trọng Tấn – Trục Bắc Hà Đông – Tố Hữu- Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ – Giang Văn Minh- Bến xe Kim Mã (số 1 Kim Mã) và lộ trình về: Bến xe Kim Mã (số 1 Kim Mã)- Giảng Võ nhỏ- Giảng Võ- Láng Hạ- Lê Văn Lương – Tố Hữu- Trục Bắc Hà Đông- Lê Trọng Tấn- Quang Trung – Ba La – Bến xe Yên Nghĩa.

Xe buýt nhanh Hanoi BRT. Ảnh: Nghiêm Hạnh
Xe buýt nhanh Hanoi BRT. Ảnh: Nghiêm Hạnh

Từ ngày 1/1/2017, xe buýt nhanh Hanoi BRT chính thức vận hành. Thời điểm đưa Hanoi BRT đi vào hoạt động cũng chính là dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch, đây là cơ hội để cho người dân cũng như du khách thử nghiệm loại phương tiện công cộng mới mẻ này.

Đáng lưu ý, trong 1 tháng đầu tiên chạy thử nghiệm người dân sẽ được miễn phí. Mô hình này cũng tương tự như tại Đà Nẵng với mục đích để người dân quen với tuyến đường, giờ xe chạy, cũng là thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng.

Tuy nhiên, trước khi đưa vào sử dụng, bạn cũng cần nắm bắt được lộ trình thực hiện của Hanoi BRT, cũng như phương án  tổ chức giao thông, hướng dẫn giao thông để vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT.

Các giai đoạn thực hiện

Giai đoạn 1: từ 15/12-17/12/2016: thử nghiệm các tác nghiệp tại đầu bến (đã thực hiện)

Giai đoạn 2: từ 18/12-23/12/2016: lái xe thử nghiệm tác nghiệp trên làn đường riêng, dừng đỗ tại các trạm chờ dọc tuyến

Giai đoạn 3: từ 24/12-27/12/2016: thử nghiệm vận hành xe BRT theo tiêu chí vận hành tuyến được duyệt với tình huống giả định dừng đón trả khách tại các điểm dừng, dừng chờ đèn tín hiệu dọc tuyến.

Giai đoạn 4: từ 27/12- 28/12/2016: thử nghiệm vận hành tuyến theo biểu đồ hoạt động của phương án trong các khung giờ cao điểm, rà soát tình trạng kỹ thuật toàn bộ đoàn phương tiện.

Giai đoạn 5: từ 29-31/12/2016: hiệu chỉnh các thiết bị (nếu có trục trặc trong quá trình thử nghiệm), bổ sung các nội dung cần thiết để tạo thuận lợi cho hoạt động của tuyến BRT; tổng kết rút kinh nghiệm về công tác tổ chức giao thông để sẵn sàng khi đưa tuyến vào hoạt động chính thức từ 01/01/2017. 

Về phương án tổ chức giao thông, hướng dẫn giao thông để vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT

Hanoi BRT chạy thử trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhanh ngày 17/12. Ảnh: Nghiêm Hạnh
Hanoi BRT chạy thử trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhanh ngày 17/12. Ảnh: Nghiêm Hạnh

Phương án phân làn dành riêng cho xe buýt. Xe BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La – Quang Trung (Hà Đông)- Lê Trọng Tấn (Hà Đông)- Đường trục Bắc Hà Đông- Tố Hữu- Lê Văn Lương- Láng Hạ- Giảng Võ – Nút Giang Văn Minh – Cát Linh; Các đoạn không bố trí làn dành riêng (xe BRT chạy chung với các phương tiện khác) bao gồm: đoạn Yên Nghĩa – Ngã 3 Ba La; đoạn Giang Văn Minh – Kim Mã và Kim Mã – Giảng Võ.

Phương án (tổ chức giao thông (TCGT tại các điểm quay đầu hiện có. Thực hiện đóng điểm quay đầu trước cửa Triển lãm Giảng Võ cũ trên đường Giảng Võ, mở điểm quay đầu thay thế tại vị trí trước số nhà 215 Giảng Võ; Tại 12 điểm quay đầu trên tuyến (không có đèn tín hiệu): tổ chức sơn kẻ, lắp đặt đèn cảnh báo, biển cảnh báo. Tùy vào tình hình giao thông thực tế, sử dụng hệ thống hàng rào di động tại các điểm quay đầu để điều chỉnh linh hoạt tổ chức giao thông tại các điểm này; Tại 02 điểm quay đầu có bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông gồm 01 điểm quay đầu trước Trụ sở cảnh sát PCCC - Km 14+110 và 01 điểm quay đầu đối diện Khách sạn Fortuna - Km 12+850: có tín hiệu đèn ưu tiên cho BRT đi trước các hướng phương tiện quay đầu.

Phương án TCGT tại các nút giao thông trên tuyến. Các nút giao trên tuyến được tổ chức giao thông đi lại bằng hệ thống đèn tín hiệu, điều chỉnh chu kỳ đèn theo nguyên tắc ưu tiên cho hướng vận hành của xe BRT; Tại nút giao Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến: tổ chức cấm tất cả các phương tiện rẽ trái, các phương tiện rẽ phải và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến; Tại nút giao Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy: cấm rẽ trái với các phương tiện lưu thông trên đường Lê Văn Lương, các phương tiện rẽ phải và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Hoàng Đạo Thúy; Tại nút giao Tố Hữu – Trung Văn: cấm phương tiện ô tô rẽ trái từ Tố Hữu vào Trung Văn và ngược lại, các phương tiện rẽ phải hoặc đi thẳng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Tố Hữu.

Phương án điều tiết, hạn chế các phương tiện khác dọc hành lang BRT.

Đối với xe tải, xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 500kg trở lên, xe khách, xe hợp đồng: cấm các phương tiện này hoạt động trong giờ cao điểm (sáng: 6h00-9h00, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường Trục phía Bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu- Vạn Phúc). Trừ các xe chở học sinh, cán bộ công nhân viên và xe phục vụ sự cố được hoạt động bình thường; Các trục đường giao cắt với tuyến đường BRT, các phương tiện này hoạt động bình thường.

Đối với xe taxi: cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng: 6h00-9h00, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương, trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật được hoạt động bình thường; Các trục đường giao cắt với tuyến đường BRT, các phương tiện xe taxi hoạt động bình thường; Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang BRT nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở Giao thông vận tải.

Hạn chế dừng đỗ xe trên trục đường hành lang BRT: tổ chức cấm dừng đỗ tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT. Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh, vịnh đón trả khách nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông dọc tuyến BRT.

Phương án tổ chức giao thông tại 02 cầu vượt (Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng Hạ), khi đến cầu, sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác; Cấm các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 02 cầu vượt trong giờ cao điểm (sáng: 6h00-9h00, chiều 16h30-19h30); Cấm toàn bộ xe tải, xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 500kg trở lên, xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500kg trở lên lưu thông trên 02 cầu vượt này. 

Bạn hãy nhớ mốc thời gian 1/1/2017 và thử trải nghiệm với Hanoi BRT nhé!

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc