(VnMedia)- Theo Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe), tư duy ăn sẵn với “nền kinh tế cơ bắp” dựa nhiều vào nhân công giá rẻ và “nền kinh tế đào mỏ” dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, với tầm nhìn ngắn hạn đã khiến cho các nguồn tài nguyên của Việt Nam nhanh chóng cạn kiệt.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải có sự đột phá trong tư duy. Theo chuyên gia trong lĩnh vực này, luồng tư duy mới, mang tính cách mạng này chỉ có thể lan toả và ứng dụng vào thực tế ngành du lịch được nếu có sự đồng lòng từ cấp trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân.
Chúng tôi đã có buổi trao đổi thú vị với TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe).
- PV: Theo bà, quan trọng nhất trong phát triển du lịch Việt Nam hiện nay là gì?
TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe): Như chúng ta đều nhận thấy, tài nguyên du lịch của Việt Nam có nhiều thế mạnh nổi trội, nhưng sản phẩm du lịch của chúng ta lại khá nghèo nàn, thiếu tính đa dạng, độc đáo và chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu đa dạng của khách du lịch.
So sánh với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Malaysia hay Thái Lan,… mặc dù tài nguyên sẵn có không nhiều, nhưng vì sao họ đã tạo ra nhiều đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch ???
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này: từ khâu quản lý, hoạch định chiến lược và liên kết phát triển sản phẩm du lịch cho đến khâu triển khai vào thực tế,…cái khó từ tài chính, cái khó từ con người,…và trên hết là cái khó trong rào cản về TƯ DUY NHẬN THỨC.
Tư duy cũ, kinh nghiệm cũ, dù đã lạc hậu nhưng là cách nghĩ an toàn của số đông xã hội. Điều này khiến cho Việt Nam vẫn mãi là quốc gia nghèo và chạy theo các quốc gia khác mà không có được con đường sáng tạo của riêng mình.
Thế mạnh sẽ trở thành điểm yếu khi chúng ta không có tầm nhìn rộng và tri thức sâu sắc trong việc nhìn nhận và đánh giá giá trị của nguồn tài nguyên. Tư duy ăn sẵn với “nền kinh tế cơ bắp” dựa nhiều vào nhân công giá rẻ và “nền kinh tế đào mỏ” dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, với tầm nhìn ngắn hạn đã khiến cho các nguồn tài nguyên của Việt Nam nhanh chóng cạn kiệt.
Hạn chế này phần nhiều do chất xám chưa được ứng dụng và sử dụng một cách hiệu quả vào quá trình khai thác tài nguyên, hay nói một cách khác là tại Việt Nam chưa có một nền kinh tế tri thức, nền kinh tế mang hàm lượng chất xám cao trong phát triển du lịch.
Vì vậy, theo tôi, quan trọng nhất trong phát triển du lịch Việt Nam hiện nay là làm sao phải thúc đẩy nhanh chóng được nền kinh tế sáng tạo (nền kinh tế mang hàm lượng chất xám cao). Có như vậy, Việt Nam mới có cơ hội cạnh tranh với các quốc gia khác và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài.
- Trong những năm qua STDe đã có hướng đi rất riêng khi tập trung nghiên cứu về các hướng phát triển du lịch kiểu mới. Bà có thể chia sẻ về điều này?
Như tôi đã phân tích ở trên, tư duy cũ, kinh nghiệm cũ, dù đã lạc hậu nhưng là cách nghĩ an toàn của số đông xã hội. Điều này khiến cho Việt Nam vẫn mãi là quốc gia nghèo và chạy theo các quốc gia khác mà không có được con đường sáng tạo của riêng mình. Vì vậy, tháng 2/2010, Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe), với đội ngũ nhân sự chủ chốt gồm hơn hai chục GS, Phó GS,TS và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan đến du lịch đã được thành lập với sứ mệnh:"Thay đổi tư duy trong việc khai thác tài nguyên để tạo ra bước đột phá cho du lịch Việt Nam". STDe đã đầu tư trọng điểm cho các công trình nghiên cứu có “Tư duy đột phá”, giải quyết các thách thức lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay như vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...
Sau gần 7 năm thành lập, STDe đã nghiên cứu và liên tục công bố 18 bộ sản phẩm du lịch mang “ Tư duy đột phá”, được dư luận đánh giá cao về tính sáng tạo. Điển hình là:
Dự án “ Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm Du lịch”. Đây là dự án thay đổi tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu. Thay cho “trốn chạy” và “chống lại” các yếu tố thời tiết bất lợi, dự án đề xuất các giải pháp để du lịch có thể “sống chung” và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi đó. Dự án hiện đang được một số doanh nghiệp du lịch ứng dụng triển khai tại T.P Huế và T.P Hội An.
Hội thảo “ Biến Mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm du lịch” tháng 3/2011 |
Dự án “ Mô hình khách sạn “ Bóng đêm”- là mô hình khách sạn tiết kiệm năng lượng điện ở mức tối đa nhưng lại khai thác được nhiều giá trị và vẻ đẹp của bóng tối để giúp khách du lịch có những trải nghiệm hoàn toàn mới và tạo được doanh thu cho du lịch. Dự án này được trao tặng giải thưởng cống hiến của cuộc thi “Ý tưởng Kinh tế Xanh 2011” và đã ký được hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 3 doanh nghiệp tại Hội chợ Techmart Quốc tế 2013.
Lễ ký hợp đồng chuyển giao công nghệ dự án “ Mô hình khách sạn bóng đêm” tháng 10/2012 |
Dự án “ Sản phẩm du lịch từ Rơm Đường Lâm”: Giúp người dân làng cổ Đường Lâm khai thác tận dụng rơm để làm ra nhiều sản phẩm du lịch khác nhau như: Nhà nghỉ bằng Rơm, đồ lưu niệm rơm, thời trang rơm,…Giảm thiểu được việc đốt rơm gây ô nhiễm môi trường và khai thác hiệu quả hơn các giá trị của cánh đồng. Hiện nay, dự án này đang được phối hợp với người dân Đường Lâm để triển khai vào thực tế, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 4/2015.
Dự án “Sản phẩm Du lịch từ gió Bạc Liêu”. Dự án này đã giúp cho nhà máy điện gió Bạc Liêu có một hướng phát triển mới để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch từ Gió, tạo thêm nguồn thu nhập lớn từ việc khai thác “cánh đồng điện gió Bạc Liêu”... Dự án đang được UBND Tỉnh Bạc Liêu hết sức ủng hộ và đứng ra kết nối với các doanh nghiệp trong Tỉnh triển khai vào thực tế trong năm 2015.
Với một loạt các dự án nghiên cứu đã công bố trên, “ Tư duy đột phá”của các nhà khoa học STDe đã đang dần mở ra một cánh cửa mới, một lối đi hoàn toàn khác biệt cho con đường sáng tạo và phát triển sản phẩm du lịch tại Việt Nam.
Hội thảo “ Tour du lịch Mùa lúa chin tại làng cổ Đường Lâm” tháng 9/2014 |
Hội thảo “ Sản phẩm du lịch từ gió Bạc Liêu” tháng 4/2014 |
- Trong hội nghị về phát triển du lịch toàn quốc tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới cần sự đồng lòng, có tư duy đột phá. Quan điểm của bà về vấn đề này?
Tôi rất ủng hộ quan điểm này của Thủ tướng chính phủ. Để tạo ra năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam đối với một quốc gia đi sau, thiếu vốn tài chính và lạc hậu về công nghệ như chúng ta, thì thông minh nhất là phải tìm cho mình một tư duy đột phá, một hướng đi sáng tạo và khác biệt, phù hợp với đặc thù riêng có của chúng ta.
Tuy nhiên, luồng tư duy mới, mang tính cách mạng này chỉ có thể lan toả và ứng dụng vào thực tế ngành du lịch được nếu có sự đồng lòng từ cấp trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân. Sự đồng tâm và hiệp lực của cộng đồng là động lực mạnh nhất để phá bỏ hàng rào tư duy cũ và mở ra cánh cửa hoàn toàn mới cho phát triển du lịch đột phá tại Việt Nam.
Lam Nguyên (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc