Điểm mặt những chốn vui chơi kỷ lục phía Đông Hà Nội

15:03, 11/10/2016
|

(VnMedia)- Trong lộ trình phát triển du lịch Thủ đô, Hà Nội sẽ xây dựng từ 2 - 3 khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, kết hợp truyền thống và hiện đại, 01 khu Triển lãm và Hội chợ tầm cỡ quốc tế; hình thành một số khu phố kinh doanh thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại... Và, những kỷ lục mới này đang nằm ở phía Đông thành phố.

Nhận định về định hướng phát triển du lịch Hà Nội thời gian tới, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, Thành phố đang tiến hành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại các khu vực trọng điểm; thu hút, phát triển khoảng 20 dự án đầu tư khách sạn cao cấp từ 4 - 5 sao; xây dựng từ 2 - 3 khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, kết hợp truyền thống và hiện đại, sánh ngang với các nước trong khu vực; xây dựng 01 khu Triển lãm và Hội chợ tầm cỡ quốc tế; hình thành một số khu phố kinh doanh thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại; các cơ sở giáo dục, tổ hợp dịch vụ y tế chất lượng cao.

Ảnh internet.
Ảnh internet.

Cũng theo ông Đỗ Đình Hồng, Thành phố cũng có kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; hoàn thiện tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm; xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng; hoàn thiện hệ thống wifi miễn phí tại một số điểm du lịch như phố cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các làng nghề tiêu biểu; thiết kế lại bộ nhận diện của du lịch Hà Nội và hệ thống biển chỉ dẫn; thiết kế mẫu sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc sắc đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và tổ chức các sự kiện thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Trong lộ trình phát triển, ngành Du lịch Hà Nội cũng sẽ tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu biểu là: triển khai chương trình hợp tác truyền thông với kênh truyền hình quốc tế, hoàn thiện hệ thống video quảng bá du lịch Hà Nội tại các quận, huyện, thị xã; xây dựng giao diện ảnh du lịch 360; tham gia các hội chợ du lịch, thương mai trên cả nước và quốc tế và nhiều hoạt động cụ thể khác đang được thành phố tập trung chỉ đạo.

Trong số những dự án, kế hoạch, chương trình Hà Nội sẽ làm trong thời gian này, phải kể đến những công trình có quy mô, tầm cỡ quốc tế ở trục đường Võ Nguyên Giáp, phía Đông Hà Nội.

Trung tâm Hội chợ triển lãm 90 ha

Sáng ngày 8/10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ động thổ dự án trung tâm hội chợ triển lãm Quốc Gia tại thôn Trung Thôn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới do Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC), thành viên của Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Dự án tọa lạc trên địa bàn giao giữa 3 xã Xuân Canh, Mai Lâm và Đông Hội thuộc huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội 15km, phía đông nam giáp tuyến đường nối từ cầu Tứ Liên đi vành đai 3; phía tây bắc giáp tuyến đường quy hoạch dọc theo trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa, phía đông bắc giáp tuyến đường quốc lộ 5 kéo dài.
 
Với vị trí đắc địa và kết nối giao thông thuận tiện, tương lai Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia sẽ là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực bắc sông Hồng. 
Phối cảnh toàn bộ dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế mới
Phối cảnh toàn bộ dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế mới.
Theo chủ đầu tư, Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia mới sẽ được kiến tạo thành một “Thành phố Triển lãm” với một tổ hợp các công trình đa chức năng, đồng bộ. Trong đó, Trung tâm Hội chợ Triển lãm có diện tích trên 90 ha với hơn 550.000 m2 xây dựng công trình trong nhà và ngoài trời bao gồm các phân khu chức năng chính như: Khu triển lãm trong nhà và ngoài trời; Trung tâm xúc tiến thương mại; Trung tâm hội nghị và các khu phụ trợ khác như khách sạn 5 sao 52 tầng, trung tâm thương mại…
 
Theo thiết kế, công trình mô phỏng hình ảnh đóa hoa sen mãn khai rực rỡ, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam và được thể hiện bằng ngôn ngữ kiến trúc của người Đức. Với quy hoạch và bố trí công năng khoa học, hiện đại, cập nhập xu hướng mới nhất của các công trình hội chợ triển lãm đẳng cấp thế giới. Toàn bộ vật liệu và thiết kế sẽ được lựa chọn kiệm nhiên liệu, tiêu hao điện năng thấp và chống nóng. Dự án còn có không gian xanh, mặt nước, công viên và đô thị... tạo thành một quần thể trọn vẹn, tạo nên sức mạnh cộng hưởng, thu hút các hoạt động kết nối, giao lưu...
 
Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào quý IV/2018, đáp ứng nhu cầu triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước, xứng tầm là công trình trọng điểm quốc gia và quốc tế, hứa hẹn tạo động lực phát triển mạnh mẽ và đem lại diện mạo hiện đại cho vùng bắc sông Hồng.

Phát biểu tại buổi lễ này, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: "Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới là dự án triển lãm và hội chợ lớn nhất châu Á và đứng thứ 5 thế giới. Khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu triển lãm cho các sự kiện trong và ngoài nước, nhằm phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương. Dự kiến công trình hoàn thành sẽ là động lực giúp phát triển vùng kinh tế phía bắc của Thủ đô Hà Nội".

Mục đích của việc bố trí Trung tâm Hội chợ là đáp ứng được những yêu cầu về tổ chức sự kiện, liên hệ giao thông và giao lưu hàng hóa thuận lợi với Cảng hàng không Nội Bài, đường Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 5, Quốc lộ 1, Quốc lộ 18,…) phù hợp với quy mô Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP. Hà Nội.

Công viên 4.600 tỷ đồng được xây dựng
 
Trong thời gian qua, Hà Nội cũng đón nhận một công trình mang đẳng cấp quốc tế. Sáng ngày 2/9, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ động thổ dự án công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Công viên này có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.600 tỷ đồng, công viên Kim Quy được thiết kế kết tinh giữa những nét văn hóa đặc sắc ngàn đời của vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Disneyland nổi tiếng toàn cầu.
Phối cảnh Cổng viên Kim Quy.
Phối cảnh công viên Kim Quy.
 
Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dự án công viên được tiến hành ở một vị trí lịch sử, ngay cạnh thành Cổ Loa, một trong những nơi lập quốc đầu tiên của nước ta trong lịch sử. Dự án cũng có ý nghĩa trực tiếp phục vụ cho du lịch, nền kinh tế mũi nhọn và phục vụ vui chơi giải trí cho nhân dân, một nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo Thủ tướng, muốn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là thủ đô thì việc đầu tiên phải làm là một cộng đồng thân thiện làm du lịch lịch lãm, hòa hợp với mọi du khách, tiếp đến là thương hiệu nổi tiếng và có một thể chế, chính sách ưu đãi cần thiết cho du lịch.

Nhật Lâm


Ý kiến bạn đọc