(VnMedia) - Du lịch thảm họa hay kinh doanh nỗi đau không phải là khái niệm mới vì trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng. Tại Việt Nam, Liên hiệp Khoa học Phát triển bền vững cũng đã đưa ra nhiều gói sản phẩm dạng này, mới đây nhất là sản phẩm du lịch Formosa.
Kinh doanh thảm họa
Theo TS.KS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển bền vững, nói về "kinh doanh nỗi đau" hay "du lịch thảm hoạ" thì trên thế giới cũng đã làm rất nhiều.
Loại hình này mang lại trải nghiệm đặc biệt cho du khách, khi đến tận nơi từng xảy ra thảm họa để giúp đỡ người dân địa phương khắc phục khó khăn, hay đơn thuần là lời chia sẻ với những niềm đau, mất mát.
Những nơi có bão lũ, động đất, núi lửa hay sóng thần… đều là những điểm du lịch hấp dẫn đối với thị trường khách du lịch mạo hiểm và du lịch trách nhiệm. Sự gia tăng của khách du lịch tại các khu vực này đã góp phần đánh thức và vực dậy các ngành kinh tế tại khu vực bị thiên tai, thảm hoạ.
Trên cơ sở đó, Liên hiệp Khoa học Phát triển bền vững đã liên tiếp nghiên cứu, xây dựng nhiều tour du lịch từ thảm họa và ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với các địa phương.
Ngày 24/9/2016 tại Hà Nội, để chào mừng ngày du lịch thế giới 27/9, Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững ( STDe) đã tổ chức hội thảo: Đánh thức du lịch biển miền Trung bằng tư duy sáng tạo đột phá.
"Tour du lịch Formosa" - Huyền thoại cá thép hóa rồng là mô hình khai thác du lịch theo tư duy đột phá, tập trung khai thác các khía cạnh văn hóa và tinh thần tiềm ẩn của cá và thép để sáng tạo nên những trải nghiệm du lịch độc đáo, hấp dẫn và giàu tính nhân văn.
Các đại biểu tham gia hội thảo công bố tour du lịch Formosa. Ảnh STDe. |
Để khách du lịch đến miền Trung được trải nghiệm về huyền thoại cá thép, tìm hiểu nguồn gốc và lịch sử của loài cá, niềm vui và nỗi buồn của loài cá cũng như giấc mơ hoá rồng của chúng... Thông điệp của sản phẩm này là: "Cá có thể chết đi nhưng linh hồn của cá thì sẽ còn tồn tại mãi mãi".
"Tour du lịch Formosa" đi qua 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… kết nối 5 điểm du lịch quan trọng nhất gắn với cuộc đời và quá trình tu tập của cá - thép trước khi hoá rồng.
Điểm du lịch 1 là làng chài "cá gỗ" - nơi nàng cá sinh ra và lớn lên (địa điểm tại bãi biển Thiên Cầm - Hà Tĩnh).
Tại đây du khách sẽ được tìm hiểu về tổ tiên, nguồn gốc và huyền thoại về loài cá gỗ (ông của nàng cá), được ăn thử bữa cơm làng chài với cá gỗ, được tham gia chế tác các tác phẩm điêu khắc về cá gỗ, được tìm hiểu những chuyện lạ về các loài cá cùng văn hoá chài lưới và nhiều phong tục tập quán độc đáo khác.
Điểm du lịch 2 là khu du lịch cá - thép. Nơi xảy ra mối tình của nàng cá và chàng thép. (Vị trí tại Đèo con - Khu CN Vũng Áng - Hà Tĩnh).
Khách du lịch sẽ được chứng kiến mối tình của nàng cá - chàng thép và sự chung sống hài hoà của họ qua các hoạt động du lịch trải nghiệm như: đua mô tô cá thép, cafe cá thép, tàu ngầm tham quan bảo tàng cá thép dưới đáy biển, trải nghiệm ngủ 1 đêm trong bụng cá thép (khách sạn cá thép), tham quan bảo tàng các tác phẩm nghệ thuật từ cá thép...
Điểm du lịch 3 là khu du lịch cá - cát ( Bãi biển Nhật Lệ - Quảng Bình).
Điểm du lịch 4 là khu du lịch "Thép đã tôi thế đấy…" là nơi chàng cá-thép tu tập để vượt cổng vũ môn (địa điểm: bãi biển Triệu An- Quảng Trị).
Điểm du lịch 5 là khu du lịch cá - rồng, nơi cá - thép tái sinh và hoá rồng (địa điểm là bãi biển Lăng Cô - Huế).
Nhân văn hay chơi trội?
Ngay sau khi thông tin về "Tour du lịch Formosa" được đưa ra, dư luận đã tỏ ra nghi ngờ về tính nghiêm túc của các nhà khoa học và cho rằng đây là ý tưởng điên rồ. Trao đổi với VnMedia, TS.KS Nguyễn Thu Hạnh lại tỏ ra rất bình tĩnh. Theo TS.KS Nguyễn Thu Hạnh, các ý tưởng mới nhận được quan điểm trái chiều rất là bình thường và các nhà khoa học đã chuẩn bị tâm lý trước khi đưa ra ý tưởng về "Tour du lịch Formosa" cho 4 tỉnh miền Trung.
"Toàn bộ hoạt động khoa học này là chúng tôi tự bỏ tiền nghiên cứu vì miền Trung chứ không có ai hỗ trợ cả. Ý tưởng "Tour du lịch Formosa" là nhằm cứu dân, thương đồng bào miền Trung khi mất cả du lịch, cả cá nên phải nghĩ ra hướng đi khác để giúp người dân có cơ hội công ăn, việc làm, nguồn thu từ du lịch...".
Cũng theo TS.KS Nguyễn Thu Hạnh, tại hội nghị, đại biểu tới dự hội thảo đều có chung một đánh giá: Tour du lịch Formoasa - Huyền thoại cá thép hóa rồng là một sản phẩm du lịch rất độc đáo, một hướng khai thác tài nguyên biển hoàn toàn mới, mang hàm lượng chất xám cao và tư duy đột phá. Và, ngay khi kết thúc buổi hội thảo, các đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương đã cùng nhau ký vào biên bản ghi nhớ sẽ cùng nhau hợp tác liên kết phát triển Tour du lịch Formosa - Huyền thoại cá thép hóa Rồng.
TS.KS Nguyễn Thu Hạnh cho rằng, để cứu du lịch miền Trung, khó khăn lớn nhất bây giờ vẫn là những rào cản về nhận thức: tư duy cũ, kinh nghiệm cũ, dù đã lạc hậu nhưng là cách nghĩ an toàn của số đông xã hội.
"Trong lịch sử, bất cứ một phát kiến khoa học nào mang tính mới và đột phá đều vấp phải rào cản của thói quen tư duy truyền thống. Có thể lấy các minh chứng điển hình như: tháp Eiffel (Pháp) và nhà hát Opera Sydney (Úc). Các công trình này khi triển khai xây dựng đều gặp phải rất nhiều chống đối của dư luận. Tuy nhiên, cho đến nay chúng đều trở thành công trình biểu tượng của các quốc gia đó và là những điểm du lịch thu được rất nhiều tiền của du khách", TS.KS Nguyễn Thu Hạnh nói.
Thời gian qua, bốn Tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa thiên Huế,… đã và đang đứng trước những khó khăn thách thức có một không hai do thảm hoạ môi trường từ nhà máy thép Formosa. Hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian kéo dài đã dẫn đến nguy cơ sẽ chấm dứt sự tồn tại của các ngành kinh tế biển quan trọng như du lịch và hải sản,… Đáng lo hơn nữa là vấn đề lương thực, thực phẩm và công ăn việc làm của người dân 4 Tỉnh miền Trung sẽ ra sao khi môi trường biển và các hệ sinh thái bị ô nhiễm nặng nề, khi không còn sự tồn tại của CÁ- một loài sinh vật biển quan trọng đã bao đời nay nuôi sống con người.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn trên của 4 Tỉnh miền Trung, Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững ( STDe) với tập hợp liên ngành các nhà khoa học tâm huyết đã cùng nhau nghiên cứu và đề xuất một hướng đi hoàn toàn mới cho việc khai thác tài nguyên biển tại 4 Tỉnh miền Trung trong thời gian tới một cách thông minh hơn, sáng tạo hơn, hiệu quả và bền vững hơn so với các phương thức khai thác tài nguyên biển từng có trước đây trong lịch sử.
Lam Nguyên
Ý kiến bạn đọc