"Đột nhập" chợ bán trinh nữ ở Bulgaria!

15:50, 24/08/2016
|

(VnMedia) - Những cô gái trẻ còn trinh tuổi từ 15 trở lên được ngã giá, mua bán công khai ở một khu chợ trời nổi tiếng ở Bulgaria. Bất chấp sự phản đối của cộng đồng châu Âu, khu chợ “cô dâu” này vẫn tồn tại và thu hút sự chú ý của nhiều du khách khi tới Bulgaria.

Các cô dâu trong một phiên chợ tại Bulgaria năm 2011
Các cô dâu trong một phiên chợ tại Bulgaria năm 2011

Ở cộng đồng người Roma hay còn gọi là Kalaidzhi ở Bulgaria, tồn tại một hủ tục gây tranh cãi ở châu Âu và đặc biệt là khu vực bắc Âu. Thay vì để con gái lớn đủ tuổi trưởng thành tự tìm cho mình ý trung nhân để gắn bó trọn cuộc đời như các nước khác, cộng đồng Roma lại gửi gắm tương lai con em mình cho những cuộc mua bán!

Đó là lý do khu chợ trời hay còn gọi là chợ “cô dâu” ra đời và không ai biết chính xác khu chợ này có từ bao giờ. Chỉ biết rằng khu chợ đặc biệt này mở cửa 4 lần trong năm. Mặt hàng buôn bán duy nhất ở đây là các cô gái.

Alexey Pamporov - học giả đã nghiên cứu về văn hóa cộng đồng Roma trong 20 năm qua cho biết, mỗi khi khu chợ mở cửa, các gia đình có con gái dù chưa trưởng thành và đang ngồi trên ghế nhà trường cũng sẽ chuẩn bị tươm tất để “ra chợ”.

“Chỉ có một số cô gái phản đối sự can thiệp của gia đình, còn phần lớn họ đều tự nguyện theo sự sắp đặt của cha mẹ để giúp đỡ cho gia đình. Nếu là bạn, bạn có thể làm được gì khi sinh ra và lớn nên trong nền văn hóa như vậy. Nhưng có một điều chắc chắn là tất cả bọn họ đều không vui vẻ gì”, ông Pamporov cho biết.

Phần lớn các gia đình bán con đều là những gia đình nghèo, gặp khó khăn về kinh tế và bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa truyền thống của cộng đồng Roma.

Các “cô dâu” thường dậy sớm, trang điểm đẹp và chọn cho mình một bộ váy ưng ý nhất để thu hút khách hàng cũng chính là người chồng và gia đình chồng tương lai. Một cô dâu thường có giá từ 290 tới 350 USD hoặc cao hơn nếu cô dâu có nhan sắc và đặc biệt phải còn trinh.

Mới đây, một hãng phim của Thụy Điển đã tìm tới cộng đồng Roma để thực hiện một bộ phim phóng sự mang tên “Buôn bán cô dâu trẻ tuổi”. Họ lưu lại gia đình của vợ chồng Vera và Christo để hiểu rõ hơn về nét văn hóa độc đáo này. Đây cũng là gia đình đang chuẩn bị đưa 2 cô con gái đã lớn là Pepa và Rossi tới khu chợ để kén rể tương lai.

Cô dâu ăn mặc đẹp để chuẩn bị cùng cha mẹ ra chợ!
Cô dâu ăn mặc đẹp để chuẩn bị cùng cha mẹ ra chợ!

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, vợ chồng Vera và Christo đã bỏ ra số tiền tương đương 1 tuần lương của mình để mua sắm quần áo, mỹ phẩm cho 2 cô con gái.

“Nếu cô gái được đưa ra chợ bán không còn là trinh nữ, cả gia đình sẽ phải chịu điều tiếng cả đời. Còn cô gái sẽ bị gọi là gái điếm, nỗi ô nhục”, Vera cho biết.

Cô con gái Pepa cũng đồng tình với cha mẹ mình. “Con gái Kalaidzhi phải là trinh nữ khi lần đầu về nhà chồng. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng vì nhà trai sẽ trả rất nhiều tiền cho vấn đề trinh tiết”.

Tuy nhiên, cô em họ Mima lại không đồng tình với Pepa và cho biết rất sợ bị đem bán vì khi đó gia đình chỉ chú trọng tới việc ai trả nhiều tiền hơn, chứ không hề quan tâm tới việc cô gái phải lòng một chàng trai dù anh ta nghèo hơn. “Có nhiều trường hợp cô dâu chú rể đã ưng nhau nhưng gia đình nhà trai vẫn quyết không “mua” vì chê cô gái kém nhan sắc”, Mima nói tiếp.

Larsson - trưởng đoàn làm phim Thụy Điển cũng cho biết, khi trò chuyện với các cô dâu tương lai, bà biết được nhiều điều về suy nghĩ và cả kế hoạch còn dang dở của họ. “Họ đã trải lòng về nỗi sợ khi bị đem bán, ép kết hôn với người mình không thích, nhớ gia đình và những dự tính tương lai buộc phải gác lại”.

Còn theo ông Pamporov, nhờ có các phương tiện truyền thông, tục bán cô dâu đã có chuyển biến tích cực khi nhiều cô gái từ chối trở thành món hàng. Tuy nhiên, phần lớn họ vẫn chấp nhận tuân theo văn hóa truyền thống.

Minh Quang (Theo Travel)


Ý kiến bạn đọc