(VnMedia) - Lễ khai giảng năm học mới 2015-2016 sẽ được tổ chức thống nhất trên các quận, huyện của thành phố Hà Nội vào ngày thứ Bảy, ngày 5/9 và chỉ diễn ra trong vòng 1 tiếng đồng hồ...
Chiều ngày 18/8, tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Hiệp Thống, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, lễ khai giảng năm học mới 2015-2016 sẽ được tổ chức thống nhất trên các quận, huyện của Thành phố vào ngày thứ Bảy, ngày 5/9.
Đây cũng là Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Lễ khai giảng sẽ tập trung vào việc đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Theo kế hoạch về thời gian diễn ra lễ khai giảng, từ 7h đến 7h30 các trường sẽ tiến hành tập trung học sinh và đón học sinh đầu cấp. Từ 7h30 đến 8h30 sẽ tiến hành chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca, tổ chức theo nghi thức quy định, tất cả đại biểu, cán bộ, giáo viên, học sinh dự lễ chào cờ đều hát Quốc ca…
Tiếp đó là các nghi thức như tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường, hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới, đánh trống khai trường, tổ chức các hoạt động tập thể văn hoá, văn nghệ, thể thao…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, việc ban hành thông báo về tổ chức lễ khai giảng này thực hiện đúng như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Như vậy, lễ khai giảng chính thức chỉ diễn ra trong 1 tiếng đồng hồ.
Ông Thống cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi các phòng, các trường quy định rõ các nội dung và hình thức tổ chức lễ khai giảng với tinh thần gọn nhẹ, giảm về thời gian, lễ nghi không cần thiết.
|
Tất cả đại biểu, cán bộ, giáo viên, học sinh dự lễ chào cờ đều hát Quốc ca |
“Chủ tịch lớp”: Chỉ áp dụng mô hình trường mới
Liên quan đến mô hình “lớp trưởng – Chủ tịch” đã gây nhiều ý kiến trái chiều vừa qua, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết quy định quy định lớp trưởng tiểu học là chủ tịch hội đồng cần được nhìn nhận đúng.
“Tiếng Việt có nhiều từ đồng âm nhưng khác nghĩa, chữ “chủ tịch” ở đây khác với chủ tịch hội đồng quản trị, chu tịch xã… Cần lưu ý nêu đầy đủ tên gọi theo quy định này là chủ tịch hội đồng tự quản” – ông Dũng nói.
“Bản chất của việc thành lập hội đồng tự quản tóm lại giúp học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, dân chủ và tự tin trong quá trình học tập; cùng trao đổi, chia sẻ với bạn bè trong học tâp, cũng là kênh đối thoại với thầy cô giáo, việc phát kiến xây dựng bài, tiếp thu bài hiệu quả hơn” - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, quy định này mới chỉ dưới dạng dự thảo và chỉ áp chỉ dụng cho mô hình trường học mới (VNEN) chứ không áp dụng cho tất cả các lớp học tiểu học.
Tạm thời thu theo quy định cũ
Cũng tại buổi giao ban báo chí, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, năm 2014, Giáo dục Thủ đô tiếp tục có nhiều thành tích nổi bật trong giáo dục phổ thông, tỷ lệ học sinh xếp loại văn hóa khá, giỏi và hạnh kiểm khá, tốt đều tăng hơn năm học trước 3-4%; 100% các trường tiểu học thực hiện tốt đổi mới về kiểm tra đánh giá học sinh theo Thông tư 30.
Về việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, sở GD&ĐT cho biết, xác định khâu đột phá là nâng cao chất lượng giáo dục bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, Sở đã có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên với đề án, lộ trình cụ thể đến năm 2020. Riêng 2 năm 2014 và 2015, Thành phố đã dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng là 23 tỷ đồng.
Về cơ sở vật chất, chuẩn bị khải giảng năm học mới, toàn Thành phố đã xây mới được 64 trường học các cấp học với kinh phí khoảng gần 2.400 tỷ đồng; xây mới và cải tạo phòng học với kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng; mua sắm thiết bị dạy học cho các cấp học chuẩn bị năm học mới là gần 575 tỷ đồng.
Liên quan đến việc thu chi học phí và các khoản thu khác, đối với học phí công lập, trong khi chờ ban hành chế độ học phí của các cấp có thẩm quyền, các đơn vị tạm thời thực hiện theo Quyết định số 22/2012 của UBND Thành phố về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội.
Đối với các khoản thu khác, sẽ tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 51/2013 (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) gồm: Thu, chi phục vụ bán trú trong các trường có tổ chức học bán trú (tiền ăn, chăm sóc và trang bị phục vụ bán trú); thu, chi học 2 buổi/ngày trong các trường tiểu học, THCS; Thu, chi học phẩm học sinh trong các trường mầm non; Thu, chi nước uống tinh khiết; bảo hiểm y tế; thu chi dạy thêm, học thêm; thu chi viện trợ, quà biếu tặng cho...
Ý kiến bạn đọc