(VnMedia) - Theo GS Hoàng Đạo Kính, thời điểm hiện tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nên chọn những vấn đề cần ưu tiên để chỉnh trang trước chứ chưa nên tính đến chuyện lát đá mặt đường như dự kiến...
>> Lát đá phố cổ: Nếu chi 1.000 tỷ mà thu 2.000 tỷ thì “làm tất”
Chiều 17/8, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã có buổi gặp mặt báo chí để trao đổi một số vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội.Nhiều câu hỏi liên quan tới đề xuất lát đá mặt đường 11 tuyến phố đã được đại diện các cơ quan có trách nhiệm và các chuyên gia giải đáp.
- Dựa vào những căn cứ nào để Ban Quản lý phố cổ và UBND quân Hoàn Kiếm đề xuất được lát đá 11 tuyến phố cổ? Đã có con số nào để lượng hóa về hiệu quả của tuyến phố Tạ Hiện sau khi được lát đá thử nghiệm hay chưa?
Ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban quản lý Phố cổ: Trước khi triển khai Đề án thí điểm lát đá một phần phố Tạ Hiện, các chuyên gia đã có 5 năm nghiên cứu (từ 2005-2010). Quá trình triển khai cho thấy đã đem lại lợi ích kinh tế thiết thực. Riêng năm 2014, phường Hàng Buồm có lượng khách du lịch lưu trí tăng tới 23.000 người và năm 2015 tiếp tục tăng trong khu vực này. Quan sát cũng cho thấy, ở phố Tạ Hiện, từ khi được lát đá, người dân đã chuyển đổi phương thức kinh doanh từ nhiều loại mặt hàng chuyển sang 100% kinh doanh dịch vụ.
Kết quả thu ngân sách của quận Hoàn Kiếm cho thấy liên tục tăng trong những năm gần đây, đóng góp lớn cho ngân sách của Thành phố, với trên 3000 tỷ mỗi năm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Ngoài ra, các vấn đề như an sinh xã hội cũng được bảo đảm. Phường Hàng Buồm trước đây có tỷ lệ thất nghiệp cao, nhưng từ khi triển khai phố đi bộ, nhiều thanh niên đã tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch.
|
GS, KTS Hoàng Đạo Kính: Chưa nên lát đá phố cổ |
- Đã có khảo sát, thống kê nào cho thấy việc tăng lượng khách du lịch đến phố cổ là nhờ lát đá hay đây chỉ đơn giản là do quận Hoàn Kiếm tổ chức phố đi bộ? Tại sao lại không chọn một loại vật liệu nào ít tốn kém hơn là đá tự nhiên, thưa ông?
Khi lập dự án ban đầu vào năm 2010, chúng tôi chưa hề tính đến việc thay đổi mặt đường.Tuy nhiên, đến năm 2014, các chuyên gia Toulouse đã phát hiện ra chúng ta chỉ mới quan tâm cải tạo mặt đứng mà chưa cải tạo mặt đường. Từ khi lát đá, không chỉ du khách mà các đôi nam nữ đã đến đây chụp ảnh cưới rất nhiều. Ngoài ra cũng có các đoàn làm phim đến để quay phim.
- Xin ông cho biết kinh phí dành cho việc lát đá thí nghiệm ở phố Tạ Hiện là bao nhiêu? Dự kiến tiền ngân sách chi cho việc lát đá 11 tuyến phố sắp tới đã được tính toán chưa?
Với 55m thí điểm ở phố Tạ Hiện, tiền lát đá là 1,5 tỷ đồng. Đối với 11 tuyến phố dự định sẽ làm thì có tổng chiều dài là khoảng 2,2km. Tuy nhiên, số tiền thì chưa thể tính vì còn phụ thuộc vào thiết kế cũng như thời điểm thực hiện.
- Sau khi lát đá, các phố này sẽ chỉ cho người đi bộ hay còn có xe cơ giới bởi có nhiều người cho rằng lát đá sẽ khiến người đi xe máy dễ bị trơn ngã khi trời mưa?
Các tuyến phố này chỉ tổ chức đi bộ vào buổi tối các ngày cuối tuần, còn ban ngày vẫn phải cho ô tô, xe máy đi vào. Ngoài ra, vẫn phải có xe cứu hỏa, ô tô điện phục vụ du lịch... tham gia giao thông. Đá lát ở phố Tạ Hiện là đá nhám, trong khi đó phố này chủ yếu kinh doanh hàng ăn uống nên có nhiều dầu mỡ gây trơn. Ngoài ra, nước thải xuống cống nhiều dầu mỡ cũng dễ gây tắc cống. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên tổ chức làm vệ sinh đường phố, nhắc nhở người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và sẽ tham vấn người dân, các chuyên gia...
Chia sẻ ý kiến cá nhân tại buổi gặp mặt báo chí, GS, KTS Hoàng Đạo Kính phân tích: Phố cổ Hà Nội là hiện thân của sự cộng sinh giữa dân cư, kiến trúc, văn hóa và các thời kỳ lịch sử. Có thể việc cải tạo, nâng cấp phố cổ là bình thường, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để nó thật hài hoà, ăn khớp, không tạo ra sự tương phản lẫn nhau. Bên cạnh đó cũng cần phải lưu ý đến việc lựa chọn thời điểm ưu tiên cải tạo, nâng cấp.
“Theo tôi, việc lát đá ở phố cổ Hà Nội thời điểm chưa đúng. Lúc này, phố cổ Hà Nội có rất nhiều việc cần phải ưu tiên làm trước, chẳng hạn như phải hình thành văn hóa quảng cáo, hay tình trạng mái che, mái vẩy cũng cần phải ưu tiên làm trước. Vừa qua Hà Nội đã phủ nhựa, bê tông nhiều con đường nhưng có làm sao đâu? Việc lát đá ở phố cổ đừng làm vội, vì còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ, và nên làm trong một trình tự cho phù hợp.” – GS chia sẻ.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính cũng lưu ý, việc lát đá 10x10cm, dù loại đá này xuất xứ từ Châu Âu, rất điển hình nhưng cũng nên cân nhắc thêm khi sử dụng bởi vẫn để ô tô, xe cứu hỏa vẫn vào.
“Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ lát vỉa hè trong dịp kỷ niệm 1000 năm thăng Long Hà Nội trước đây. Việc lát vỉa hè ở mấy chục con phố rất cẩu thả, vội vàng, gấp gáp, thậm chí có nơi chỉ xếp đá vào đó thôi. Hệ quả là đã để lại cho Hà Nội những vỉa hè khấp khểnh. Do vậy việc lát đá lần này cũng cần phải nghiên cứu thêm.” – GS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh.
Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh lưu ý, khi nghiên cứu chỉnh trang phố cổ cần tính toán đồng bộ các phương án về hạ tầng kỹ thuật như đi ngầm dây điện, viễn thông; bể nước cứu hỏa...
Trước đó, chia sẻ với VnMedia, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, cần lượng hóa cụ thể chi phí bỏ ra cũng như những gì thu lại khi thực hiện việc lát đá phố cổ, bởi đây là một bài toán kinh tế. Theo KTS Trần Huy Ánh, việc lát đá đường phố là một việc rất xa hoa, nhưng nếu chắc chắn thu lợi thì không có lý do gì không làm, kể cả phải chi rất nhiều tiền. Ngược lại, dù 1 đồng mà lãng phí cũng không nên bỏ ra.
Ý kiến bạn đọc