Chủ tịch Quốc hội phê bình chuyện chiếm sân chơi trẻ em

08:03, 15/08/2015
|

“Cứ nói phải có sân chơi cho các cháu nhưng có đâu? Thời Pháp xây dựng quy hoạch góc phố nào trẻ em cũng có thể chơi được cả, giờ mình xây thì nào là cơi nới, rồi có miếng sân nào làm sạch, ra ngoài cũng chia sạch, cắt ô hết cả...",  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói nên thực tế


>> Hà Nội và những "cuộc chiến" giành lại sân chơi
>> Trẻ em Hà Nội đi hơn chục km chỉ để chơi… xích đu

Phát biểu tại buổi thảo luận về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chiều 14/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh luật ra đời phải đáp ứng mục tiêu khắc phục những vấn đề chưa tốt trong thực tế hiện nay được đề cập trong báo cáo tổng kết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tính khả thi của luật chưa cao, rồi luật "ống", luật chính sách, hô hào vậy thôi chứ còn triển khai làm được chưa nhiều. Từ tổng kết cần soát lại để quy định cho chặt chẽ và nên bám lấy Công ước Liên Hợp Quốc và Hiến pháp.

“Nói trẻ được quyền này quyền kia nhưng các cháu còn nhỏ thì biết gì. Luật phải viết thêm trách nhiệm và theo hướng gia đình, nhà trường, tổ chức, xã hội và nhà nước phải chủ động hơn. Với quyền này của trẻ em thì gia đình làm gì, nhà trường làm gì, xã hội đoàn thể phải làm gì, Nhà nước làm gì”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đề cập trách nhiệm của Nhà nước từ làm luật đến thanh kiểm tra và xử lý vi phạm, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế: “Cứ nói phải có sân chơi cho các cháu nhưng có đâu? Thời Pháp xây dựng quy hoạch góc phố nào trẻ em cũng có thể chơi được cả, giờ mình xây thì nào là cơi nới, rồi có miếng sân nào làm sạch, ra ngoài cũng chia sạch, cắt ô hết cả. Ngay cả khu mới cũng không có. Trong trường thì không đảm bảo tiêu chí, ngoài phố cũng thế, chủ yếu là xây nhà. Vỉa hè có những chỗ chơi của trẻ cũng bịt mất rồi, làm chỗ thuê đỗ ô tô, xe máy, xe đạp hết rồi. Ngay ở  nông thôn bây giờ cũng khó. Do đó, sự chủ động từ phía Nhà nước quy định tiêu chuẩn cho xây dựng phải buộc phải làm thế nào, không làm như thế phải xử lý thì các cháu mới có chỗ chơi”- Người đứng đầu Quốc hội nói.

Ảnh minh họa

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng qua thông tin báo chí phản ánh thì việc xâm hại trẻ em nặng nề quá. Nào là từ gây áp lực với trẻ em, xâm hại trẻ em, hiếp dâm, bắt cóc, buôn bán, mại dâm, giết trẻ em... rất man rợ, dã man. Nhà trẻ đến nhà trường cũng xảy ra bạo lực. Những sự việc này rất bức xúc nhưng báo cáo tổng kết chưa so sánh để thấy tiến bộ hơn hay tệ hơn so với trước kia.

“Luật phải tập trung vào những vấn đề này vì luật quy định mối quan hệ, trách nhiệm và đi theo luật là xử lý trách nhiệm. Luật cứ kêu gọi thì không khả thi. Nhiều sự việc man rợ hơn, trước đây không thấy mà giờ như thế thì phải tập trung giải quyết trong luật này để sau khi có luật thì công tác trẻ em tiến bộ hơn. Đáp ứng mục tiêu ấy mới làm luật”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Còn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Công ước LHQ về quyền trẻ em nói trẻ em có quyền được bảo vệ và đừng can thiệp vào đời tư, vào gia đình, thư tín của các em. Điều này rất quan trọng, chống lại những điều nói xấu và vu cáo trẻ em.

“Thực tế đã có trường hợp đưa thông tin về trẻ em, mà có cháu đã phải viết trên facebook xin các bác đừng can thiệp vào cuộc sống của nó, tức là nó bị sức ép, bị sốc đến mức độ phải viết xin trên facebook. Sao mình không nghiên cứu điều luật chống lại nói xấu, vu cáo để bảo vệ trẻ em?”, bà Trương Thị Mai đặt vấn đề.

Tại phiên họp, dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đề nghị đổi tên là Luật Trẻ em để đảm bảo bao quát tất cả các vấn đề có liên quan đến trẻ em cũng như phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc (Công ước CRC) mà Việt Nam tham gia. Quan điểm này được cả cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến tại phiên họp bày tỏ đồng tình.

Một điểm quan trọng trong Dự thảo luật, đó là quy định nâng độ tuổi trẻ em lên thêm 2 tuổi, tức là thành dưới 18 tuổi chứ không phải dưới 16 tuổi như Luật hiện hành. Quan điểm này được hầu hết các đại biểu đồng tình.


(tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc