Thay cây Mỡ phố Nguyễn Chí Thanh bằng Lát hoa từ 1/8

10:25, 30/07/2015
|

(VnMedia) - Hai ngày nữa (1/8), Hà Nội sẽ tổ chức trồng thay thế toàn bộ cây gỗ mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh (kể cả cây còn sống) bằng cây Lát hoa. Thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo của Sở Xây dựng sáng nay 30/7.

>> Cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh là gỗ Mỡ

>> Cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh là Vàng tâm

Ảnh minh họa

Hà Nội sẽ thay toàn bộ cây Mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây Lát hoa - ảnh: Xuân Hưng


Chi phí cho việc thay thế (247 cây) ở phố Nguyễn Chí Thanh sẽ do Công đoàn Công an Thành phố đóng góp.

Trao đổi tại buổi họp báo, Giáo sư Vũ Hoan, Chủ tịch liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội cho biết, cây Lát hoa là cây được lựa chọn phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sinh trưởng tại đô thị Hà Nội. Trồng thời điểm này, đến cuối năm cây đã có thể ra tán.

“Việ quyết định trồng cây gì trên phố Nguyễn Chí Thanh đã được các nhà khoa học đã nghiên cứu, đóng góp ý kiến, sau đó lãnh đạo Thành phố cũng cân nhắc lên cân nhắc xuống rồi mới quyết định trồng cây Lát hoa. Các đồng chí công an cũng đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc trồng cây”. – Giáo sư, tiến sĩ Vũ Hoan cho biết.

Tại cuộc họp báo, trả lời phóng viên VnMedia về việc xử lý với những cây hoa Sữa còn lại trên phố Nguyễn Chí Thanh, ông Võ Nguyên Phong cho biết, Thành phố sẽ trồng thay thế để đồng bộ cây trên phố nhưng sẽ phải thực hiện theo lộ trình, trước mắt sẽ chỉ thay thế các cây Mỡ bằng cách bỏ cây chết, cây còn sống thì sẽ đánh mang về vườn ươm.

TS Đặng Văn Hà, trường ĐH Lâm nghiệp cũng cho biết, phố Nguyễn Chí Thanh có 373 cây tất cả, trong đó có nhiều loại cây khác nhau, nhưng trước mắt tập trung thay thế cây sâu mục, cây chết và cây Mỡ (247 cây). Còn cây hoa Sữa trước mắt vẫn để lại. Ông Hà khẳng định cây Lát hoa phù hợp với môi trường đô thị Hà Nội, trồng ngay trong tháng 8 này cũng đạt yêu cầu về tỷ lệ sống. Tại Hà Nội, ngoài việc trồng rải rác thì năm 2009, toàn bộ tuyến đường Đại lộ Thăng Long đã được trồng cây Lát hoa.

“Về tương lai, cây này là cây gỗ lớn, tuổi thọ cao, xanh tươi quanh năm, bóng mát tốt, thân thẳng và rất hiếm bị gẫy đổ.” –TS Đặng Văn Hà khẳng định.

Ảnh minh họa

Ông Võ Nguyên Phong - PGĐ Sở Xây dựng thông tin về việc thay thế cây Mỡ trên phố Nguyễn Chí Thanh tại buổi họp báo - ảnh: Xuân Hưng


Kiểm tra kỹ nguồn cây trồng mới, giám sát chặt khi trồng

Trao đổi với báo chí, ông Võ Nguyên Phong cho biết, rút kinh nghiệm với những tồn tại trong việc trồng cây vừa qua, trong lần trồng cây trên phố Nguyễn Chí Thanh lần này sẽ tuyệt đối tuân thủ 3 vấn đề quan trọng, đó là khảo sát những cây cần phải thay thế; giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc trồng mới cây đúng quy trình, quy định; trồng đủ cây vào những khoảng trống theo đúng quy định. “Đặc biệt và quan trọng nhất là phải thực hiện theo đúng quy trình quy định. Đơn vị được chúng tôi lựa chọn là Công ty Cổ phần Tư vấn đều tư xây dựng Hà Thành. Đây là công ty có nhiều kinh nghiệm và làm tốt nhất hiện nay. Công ty này đã tham gia trồng cây trên phố Kim Mã – Nguyễn Thái Học và hiện nay cây mọc rất tốt” – ông Phong nói.

Liên quan đến chất lượng cây trồng mới, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện trồng cây theo giấy phép được cấp, đôn đốc tiến độ thực hiện. Chủ trì Viện Kiến Trúc và Cảnh quan Nội thất – trường ĐH Lâm nghiệp, Công viên Cây xanh Hà Nội kiểm tra nguồn cây, đảm bảo các cây trồng theo đúng tiêu chuẩn, có khả năng sinh trưởng tốt; tổ chức tiếp nhận, bàn giao đưa vào quản lý duy trì sau khi cây sống và phát triển ổn định.

Vì sao chọn Lát hoa?

Trả lời báo chí về việc tại sao lại lựa chọn trồng cây Lát hoa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, trước đó, để xác định chủng loại cây xanh thay thế, trồng mới phù hợp với tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, ngày 25/6, sở Xây dựng đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tổ chức tọa đàm xin ý kiến về việc trồng cây xanh đường phố, trong đó có đề xuất loại cây sẽ trồng lại trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện các nhà khoa học, các chuyên gia chuyên ngành.

Sau khi đi kiểm tra thực tế một số loại cây được trồng trên địa bàn Hà Nội, phân tích đặc điểm thổ nhưỡng và đặc điểm thời tiết, các nhà khoa học và chuyên gia đã phân tích tiêu chí lựa chọn cây theo các tiêu chí như: bóng mát, cảnh quan, bảo vệ môi trường v.v... và thống nhất đề xuất 5 chủng loại cây có thể nghiên cứu lựa chọn trồng tại tuyến phố Nguyễn Chí Thanh.

Theo đó, cây Sấu là cây gỗ thường xanh có thể cao tới 30m hoặc hơn. Cây cho tán rộng đẹp tạo bóng mát tốt khi trồng trên đường phố. Tuy nhiên cây sấu có nhược điểm là thường phát triển bạnh vè lớn ở gốc nên có thể gây ảnh hưởng đến hè và công trình xây dựng, nếu trồng ở thời điểm này tỷ lệ sống lại không cao.

Cây Dầu rái là cây gỗ lớn, thân trụ thẳng, phân cành muộn cao tới 40-45m, đường kính có thể đạt tới 2m. Cây này cho tán đẹp (hình tháp), chống chịu tốt với gió bão. Tuy nhiên, cây Dầu rái có nhược điểm là phát triển chậm, nguồn cây đường kính lớn đã đôn đảo khá hiếm.

Cây Sao đen là cây gỗ lớn thường xanh, cao 30-40m, thân hình trụ thẳng, đường kính 60-80cm, chiều cao dưới cành 15m-25m. Cây này có nhược điểm phát triển chậm, nguồn cây đường kính lớn đã đôn đáo khá hiếm.

Cây Hương vườn, (còn gọi là cây Giáng hương, Sưa vườn, Sưa Quảng Nam) là loài cây dễ trồng, phát triển nhanh cho hóa đẹp. Tuy nhiên cây này có nhược điểm là phân cành sớm và rụng lá vào mùa đông.

Cây Lát hoa là loại cây gỗ lớn, cao tới 30m, đường kính 80cm hoặc hơn. Cây này thân thẳng, tán rộng hình cầu, gỗ tốt, ít bị mối mọt và chống chịu được mưa bão.

“Trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học và các chuyên gia, phương án trồng cây của Viện Kiến trúc và Cảnh quan Nội thất – trường Đại học Lâm nghiệp, ngày 24/7, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND Thành phố và được chấp thuận phương án thay thế, trồng mới cây xanh tại tuyến phố Nguyễn Chí Thanh chủ đạo là cây Lát hoa, với tiêu chuẩn đường kính từ 15-18cm, chiều cao 6-8m. Cây xanh mới trồng phải đảm bảo là các cây đẹp, có khả năng sinh trưởng tốt.” – ông Võ Như Phong nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc