(VnMedia) - Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu UBND Thành phố có giải pháp quyết liệt để thu hồi các cơ sở ô nhiễm, các mảnh đất xen kẹt để bố trí các nơi vui chơi cho nhân dân…
>> Trẻ em Hà Nội đi hơn chục km chỉ để chơi… xích đu
>> Hà Nội và những "cuộc chiến" giành lại sân chơi
>> Sân chơi ở Hà Nội đang “biến mất” như thế nào?
Phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội sáng 7/7 hết sức đặc biệt khi lần đầu tiên vấn đề vườn hoa, sân chơi của cư dân Thành phố được nhiều đại biểu chất vấn trực tiếp với những thông tin toàn diện cả về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp. Thời gian mà chủ tọa dành cho việc chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề này cũng chiếm phần lớn phiên họp.
Cả chủ đầu tư, chính quyền địa phương và Thành phố đề có trách nhiệm
Như VnMedia đã đưa tin về việc các ban Văn hóa - Xã hội và ban Pháp chế của HĐND Thành phố đã gửi 4 trong tổng số 29 câu hỏi để chất vấn UBND Thành phố về những vấn đề xung quanh việc quản lý, phát triển vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư.
Trong buổi sáng đầu tiên của phiên chất vấn, lãnh đạo sở Quy hoạch - Kiến trúc đã trả lời những câu hỏi trên và thừa nhận, thực trạng này là do công tác quản lý chưa chặt chẽ, sử dụng vào các mục đích khác đã dẫn đến các không gian bị lấn chiếm, thu hẹp, sử dụng sai mục đích làm bãi để xe, chợ cóc, hàng quán...
Trong khi đó, hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước đây chất lượng xuống cấp và thiếu hấp dẫn. Trang thiết bị tại các khu vui chơi chất lượng kém, lạc hậu. Tại các Khu đô thị mới, Khu nhà ở, Chủ đầu tư chưa quan tâm tới việc xây khu vui chơi chung cho trẻ em… Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định: “Giai đoạn trước mắt phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội trường học, nhà văn hóa ở các tổ dân cư, đất để xây dựng sân chơi, vườn hoa, kể cả sân chơi nhỏ còn thiếu nhiều nhưng chưa thể khắc phục ngay được.”
|
Tình trạng sân chơi bị lấn chiếm làm bãi đỗ xe, hàng quán được các đại biểu phản ánh tới HĐND |
Chất vấn trực tiếp tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban Pháp chế đánh giá cao việc Thành phố đã chỉ rõ trách nhiệm của cả chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông Nam thẳng thắn: “Trong một chừng mực nào đó, tôi cho rằng Thành phố cũng có trách nhiệm khi quan tâm chưa đúng mức, để các không gian công cộng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.”..
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi: “Khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị có quy định dành diện tích cho nhà cộng đồng không? có diện tích công cộng phục vụ sinh hoạt cộng đồng, diện tích cho sân chơi không? vấn đề kiểm tra việc thực hiện thế nào? Việc cho phép sử dụng tạm các diện tích chưa triển khai dự án không thấy có bóng dáng ưu tiên cho các sân chơi mà chỉ để làm chỗ bán hàng, trông xe, quây rào bán bia…, nhưng không có hoạt động văn hóa. Quan điểm của Thành phố như thế nào?”
Ngoài kiến nghị việc thu hồi các diện tích sử dụng sai mục đích để trả lại không gian công cộng, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cũng “hiến kế” về việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí.
“Tôi cảm thấy các hoạt động ngoài giờ của các em không có, đẩy về hết cho các gia đình. Ngày xưa không mất nhiều tiền nhưng hoạt động rất tốt, còn bây giờ, mỗi phường xã hàng năm ngân sách chi hàng tỉ, trong đó chi cho sự nghiệp văn hóa xã hội hàng trăm triệu, nhưng hình như thua ngày xưa ít tiền. Phải chăng chúng ta chưa quan tâm?” – đại biểu Nguyễn Hoài Nam băn khoăn.
Trả lời các câu hỏi nói trên, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến Trúc thừa nhận Hà Nội đang thiếu các khu vui chơi giải trí, thiếu cả về tiêu chuẩn quy chuẩn và thiếu so với nhu cầu của người dân, trong đó có nguyên nhân gia tăng dân số. Ông Hùng cho biết, Thành phố đã có chỉ đạo, thu hồi một số cơ sở sử dụng đất không hiểu quả, sai mục đích để xây dựng một số trường học. Sắp tới đây, nếu những nơi nào sử dụng không đúng, không hiệu quả thì sẽ thu hồi để dành lại đất làm sân chơi.
|
Thiếu không gian, thiếu thiết chế văn hóa khiến trẻ em Hà Nội không có chỗ chơi |
Tuy nhiên, sau phần trả lời của ông Hùng, đại biểu Nguyễn Thị Thùy đánh giá, câu trả lời của Giám đốc sở Quy hoạch Kiến Trúc mới chỉ nêu tình trạng mà chưa có giải pháp.
“Thứ nhất là việc quản lý sân chơi ở khu tập thể cũ và sân chơi công cộng. Hiện nay, những sân chơi này chủ yếu được để kinh doanh, bán hàng hóa, chợ cóc chứ không để chơi, nhất là khu vực nội thành. Sân trong các trường học thì khối mầm non tốt, các khối khác đặt cái gì để chơi? Thứ 3 là khối công viên vườn hoa thì Cầu Giấy và Long Biên làm rất tốt, cần triển khai rộng. Về quản lý công viên, toàn Thành phố có nhiều công viên nhưng quản lý không thống nhất. Có công viên bán vé, có công viên cho để gửi xe, có công viên bán hàng rong…” - Bà Thùy nói và đề nghị Thành phố phải có giải pháp để thực hiện ngay cho các trường hợp này.
Cần các thiết chế phù hợp
Tham gia giải trình, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tô Văn Động cũng khẳng định, việc sử dụng, khai thác các thiết chế văn hóa chưa thật hiệu quả. Về nguyên nhân, ông Động cũng thừa nhận trách nhiệm của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi chưa xây dựng được những nội dung phong phú, hấp dẫn để các cơ sở căn cứ vào đó hoạt động, sáng tạo cho trẻ em tham gia. Ông Động cũng nêu lên thực tế những thiết chế được xây dựng đã lâu, không phù hợp với thực tế; kinh phí hạn chế và đặc biệt, những cán bộ trực tiếp quản lý chưa sáng tạo, chưa năng động.
“Tuy vậy những thiết chế này rất cần thiết để ổn định xã hội” – ông Tô Văn Động nói và hứa sẽ tham mưu cho Thành phố để xây dựng cơ chế quản lý, khai thác và sự dụng hiệu quả, đặc biệt là xã hội hóa để mọi người cùng đóng góp, tham gia; xây dựng nội dung phong phú hấp dẫn hơn; năng động sáng tạo để tạo ra nội dung hấp dẫn, hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, về quản lý khu vui chơi, Thành phố đã phân cấp cho chính quyền địa phương, vì vậy sắp tới sẽ chỉ đạo để có quy chế cụ thể đối với các khu vui chơi trong khu tập thể để đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Ông Giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng cũng cho biết, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các ngành rà soát, tham mưu để có giải pháp tổng thể phấn đấu mỗi phường bố trí tổ chức sân chơi riêng cho trẻ em, nơi nào thiếu quỹ đất thì kết hợp với các loại hình sinh hoạt văn hóa để tạo điều kiện cho trẻ em có nơi vui chơi.
|
Thành phố phải có quy chế cụ thể đối với các khu vui chơi trong khu tập thể để đi vào cuộc sống |
Cần quyết liệt trong hành động
Kết luận phiên chất vấn buổi sáng, chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu: Thứ nhất, UBND Thành phố cần chỉ đạo triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó có việc thực hiện những khu vui chơi giải trí; quy hoạch công viên cây xanh và vườn hoa.
Thứ hai, UBND cần chỉ đạo các ngành có giải pháp quyết liệt để thu hồi các cơ sở ô nhiễm, các mảnh đất xen kẹt để bố trí các nơi vui chơi cho nhân dân.
“Các đồng chí đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết 16 từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra cơ chế thực hiện nên phải thực hiện quyết liệt ngay” - bà Ngọc nói và nhấn mạnh, Thành phố cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 16 của HĐND Thành phố về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào các công trình văn hóa, vườn hoa công viên.
Chủ tịch HĐND Thành phố cũng đề nghị Thành phố rà soát thực trạng các vườn hoa có sẵn trên địa bàn Thành phố để có kế hoạch phục hội tôn tạo, nâng cấp, tạo nơi vui chơi cho nhân dân. “UBND Thành phố cần nghiên cứu việc thu vé, tổ chức các hoạt động nhằm tạo điều kiện cho người dân đến vui chơi thuận lợi” - bà Ngọc nói.
Liên quan đến các thiết chế, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND Thành phố giao cho các ngành nghiên cứu trình HĐND thông qua cơ chế, chính sách sử dụng các thiết chế văn hóa trên địa bàn theo Thông tư 12 của Bộ Văn hóa, đồng thời tăng cường kiểm tra, giải quyết một cách quyết liệt việc lấn chiếm vườn hoa sân chơi, đặc biệt là trong các khu đô thị cũ, để đảm bảo sử dụng đúng mục đích phục vụ nhân dân.
Ý kiến bạn đọc