(VnMedia) - Thảo luận tại Hội trường sáng 4/6, nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội), với vị trí trời cho, đây là sân bay tiềm năng nhất khu vực…
Đại biểu Dương Trung Quốc
Không làm cẩn thận sẽ trả giá theo cấp độ số nhân
Đại biểu Dương Trung Quốc, đại diện cho cử tri Đồng Nai - nơi quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận ngày hôm nay.
Theo Đại biểu Dương Trung Quốc, phải nhìn nhận rằng xã đang ở trong tâm thế “hội chứng bất hợp lý”. Từ những gì đang trải qua, với những dự án đắp chiếu, lãng phí không nhỏ, vì thế, bất cứ dự án nêu ra, người dân đều hỏi có lãng phí không, có lợi ích nhóm không?
“Sự phản ứng của người dân giúp chúng ta nhìn lại, cẩn trọng hơn khi quyết định, nhưng cũng tạo lực cản cho sự phát triển”, đại biểu Quốc nói.
Liên quan đến dự án sân bay quốc tế Long Thành, đại biểu Quốc nhắc lại bài học lịch sử là sân bay Tân Sơn Nhất, được người Pháp xây dựng, được người Mỹ phát triển, là sân bay lớn nhất trong khu vực, nhưng chỉ mấy chục năm, chúng ta đã quy hoạch không phù hợp.
Cũng vì thế, đại biểu Quốc cho rằng việc nhìn nhận sân bay Long Thành phải đặt tầm nhìn lâu dài, vượt qua lợi ích trước mắt.
“Long Thành vốn nó chỉ là dự án thành phần của quy hoạch tổng thể khu vực kinh tế Nam Bộ. Quy hoạch này đã được triển khai 10 năm qua 2 đời Thủ tướng. Những dự án thành phần khác đã được thực hiện, chỉ vì mức đầu tư lớn mà chúng ta phải đưa ra Quốc hội bàn. Theo tôi, lẽ ra việc này phải bàn lâu rồi. Người dân 10 năm nay đã ở trong dự án treo.
Đã gọi là đưa ra Quốc hội bàn. Quốc hội hoàn toàn có quyền quyết định không làm. Nhưng nếu như vậy, những người dân 10 năm nay đã ở dự án treo sẽ ra sao?”, đại biểu Quốc đặt câu hỏi.
Theo đại biểu, việc đưa ra để người dân biết sớm, các tổ chức tham gia phản biện là cần thiết. Nhưng sau gần 10 năm triển khai mới đưa ra bàn, thì quá muộn. “Nếu bảo rằng Đảng đã quyết, thì Quốc hội bàn làm gì nữa. Bàn mà không đi đến đâu”.
Đại biểu Quốc cũng chỉ ra là Đại biểu Quốc hội cũng không đủ quyền phát quyết là hiệu ứng kinh tế của nó như thế nào?
“Một bên bảo có lợi, bên bảo không. Tại sao không có những cơ quan tư vấn độc lập? Rất nhiều dự án khác cũng rơi vào tình trạng này…Tuy nhiên, đây cũng chỉ là “chuyện khả thi” mà bàn đến chuyện khả khi là rất khó”, đại biểu Quốc nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc ủng hộ việc xây dựng sân bay Long Thành. “Cũng là người ở địa bàn Đồng Nai, tôi cũng tham gia đi khảo sát, rõ ràng cho thấy tính cấp thiết của dự án. Nếu chúng ta không làm cẩn thận sẽ trả giá theo cấp số nhân”, đồng thời đại biểu mong muốm Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần đẩy mạnh tính minh bạch, thu hút tiếng nói người dân, và tiếng nói về mặt chuyên môn đánh giá cho đúng.
“Tôi ủng hộ, nhưng phải lộ trình hợp lý, không để đặt vào tình trạng đã rồi”, đại biểu Quốc nói.
Long Thành sẽ là sân bay tiềm năng nhất khu vực
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) cũng như đa số đại biểu nhất trí với việc xây dựng sân bay Long Thành. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị chọn hình thức đối tác công tư (PPP), giảm tỉ lệ ODA để không tăng gánh nặng trả nợ, và không nên theo phương thức BOT khiến nhà nước dễ mất quyền kiểm soát.
“Với vị trí trời cho, tôi cho rằng đây sẽ là sân bay có tiềm năng nhất cho khu vực. Với quốc gia, đây sẽ là đầu mối của những tuyến đường quan trọng nhất, nó sẽ là cửa ngõ quốc gia, vị trí quan trọng của tam giác vàng kinh tế trọng điểm phái Nam”, đại biểu Bình nói.
Theo đại biểu Bình, điều quan trọng là Long Thành sẽ làm thay đổi bản đồ bay của hệ thống Châu Á - Thái Bình Dương, biến Việt Nam thành trung tâm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đó là vị trí hạ tầng chiến lược quốc gia…
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn là khai thác như thế nào? Đồng thời cũng đề nghị cần sớm thống nhất chủ trường để triển khai càng sớm càng tốt.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) khẳng định việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành là một cơ hội. Do đó nếu bỏ qua sẽ rất tiếc. Tuy nhiên, đại biểu Cương cũng đề nghị trong quá trình triển khai dự án, Chính phủ luôn phải điều chỉnh để hợp lý, tiết kiệm.
“Tôi đề nghị tiếp tục điều chỉnh để tiết kiệm hơn, nó là một việc làm suốt quá trình triển khai dự án để chống lãng phí”, đại biểu Cương nói.
Đại biểu Trần Du Lịch
Cần công khai minh bạch việc đầu tư
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá, đây là dự án cấp quốc gia tầm nhìn lâu dài, có ý nghĩa rất to lớn, cần sự phối hợp tốt giữa các địa phương, bộ ngành. Làm sao đảm bảo cho người dân ổn định.
“Điều tôi quan tâm là các giai đoạn, cần đảm bảo chất lượng, giữa các giai đoạn phải phát huy hiện quả kinh tế để tái đầu tư. Tôi cũng đề nghị phương án đấu thầu phải đảm bảo”, đại biểu Bảo nói.
Theo đại biểu, với những dự án như thế này cần phải tính đến chuyện xử lý nguồn vốn, phát huy nguồn vốn để đầu tư tiếp vào giai đoạn sau. Do đó “đề nghị Chính phủ công khai minh bạch suất đầu tư hiệu quả và so sánh với các nước trong khu vực”
Đóng góp ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TP HCM) cho biết, Cử tri TP HCM ủng hộ quan điểm xây dựng Long Thành.
“Quan điểm rõ ràng của TP HCM là không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, với 3 lý do: sân bay nằm trong khu dân cư; giải tỏa đền bù là bất khả thi; quy hoạch đô thị TP HCM k có quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và không có giao thông kết nối. Do vậy TP HCM ủng hộ làm Long Thành để giải tỏa áp lực Tân Sơn Nhất”, đại biểu Lịch nói.
Đại biểu đồng ý với đại biểu Dương Trung Quốc là hiện nay sân bay Long Thành là đầu mối của quy hoạch. Nếu thay đổi, sẽ phải thay đổi toàn bộ quy hoạch.
Ngoài ra, đại biểu cũng ủng hộ quan điểm cần nhanh chóng triển khai giai đoạn một của dự án. “Phải tính tới hiệu quả nguồn vốn, cần làm rõ nguồn vốn ngân sách, và phần cơ cấu vốn tư nhân, phải tính toán bài toán có khả thi nhất để nợ công thấp nhất”, đại biểu Lịch nêu ý kiến.
Ý kiến bạn đọc