(VnMedia) - Trong 3 năm, 71 người được phát hiện bị oan sai trong những vụ việc đã kéo dài nhiều năm. Với con số này, có đại biểu cho rằng đó chỉ là số ít, nhưng cũng có đại biểu xót xa mà nói rằng “mình có rơi vào hoàn cảnh như họ thì mình mới biết được là như thế nào”...
Hôm qua (5/6), Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo giám sát tình trạng oan, sai do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện. Con số và tỷ lệ vụ án oan sai là vấn đề được các đại biểu quan tâm, phát biểu với những cách nhìn, cách đánh giá khác nhau.
Nhiều đại biểu phát biểu tại Nghị trường không đồng tình với nhận định của báo cáo giám sát rằng, tình hình oan sai là nghiêm trọng. Một số ý kiến đánh giá, số người oan sai chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Điển hình như đại biểu hòa thượng Thích Thanh Quyết đã đưa câu chuyện “Nhà Phật chúng tôi có Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay mà vẫn để cho Quan Âm Thị Kính oan cho đến lúc chết”, để minh chứng rằng, việc oan sai là không thể tránh khỏi.
Ngoài ra, nhiều đại biểu còn cho rằng, tình hình oan sai không đến nỗi nghiêm trọng như báo cáo nêu mà ngược lại, báo cáo chưa nêu được những thành tích phá án...
Trước đó, tại một buổi thảo luận khác, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng từng nói; "Trong đấu tranh tội phạm bao giờ cũng phải dung hòa giữa quyền hạn cơ quan tư pháp và quyền người phạm tội. Dù biết rằng, một người bị oan thì không chỉ họ đau khổ mà cả gia đình họ đau khổ nhưng nếu vì số ít đó mà chiều chuộng nhân văn với tội phạm hơn giữ bình yên nhân dân thì tức là không theo tư tưởng pháp trị."
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhận những con số oan sai theo “tỷ lệ%” để nói rằng, oan sai như vậy là ít.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá đã đặt đặt câu hỏi: “Thực tế còn bao nhiêu vụ oan sai chưa được phát hiện?".
Còn theo đại biểu Lê Đình Khanh, việc oan sai trên thế giới nước nào cũng có, chỉ có điều “ta nhiều họ ít.”
Về nguyên nhân, trong khi không ít đại biểu này cho rằng một phần do “nóng vội trong phá án”, thì đại biểu Lê Đình Khanh thẳng thắn nhận xét, một bộ phận cán bộ tham gia điều tra truy tố xét xử chưa có tâm, chưa có tầm, thiếu trách nhiệm và “háo thành tích”... đã dẫn đến khổ đau cho những người bị kết án oan sai và gia đình họ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật và nhiều hệ lụy khác.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng cho rằng, số liệu đưa ra trong báo cáo có thể chưa phải là tất cả, có thể còn đâu đó những vụ chưa được nêu ra do chưa có điều kiện để xem xét lại hồ sơ của hơn 200 ngàn vụ án.
|
Số lượng oan sai đã là báo động lớn trong đời sống xã hội |
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng băn khoăn về con số 78 vụ tự sát trong trại giam, 6 trường hợp chết do bị can đánh nhau. “Có ai dám bảo đảm rằng trong trường hợp tự sát nêu trên không có vụ nào oan sai?” – đại biểu Khá đặt câu hỏi.
Trong khi đó, không nhận xét số lượng 71 người bị oan sai được phát hiện là nhiều hay ít, đại biểu Trương Trọng Nghĩa có một cách đặt vấn đề khác, đó là hệ thống tố tụng của Việt Nam hiện nay đã không tự phát hiện oan sai và vì vậy, số vụ oan sai được phát hiện “phải chăng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?”.
Ông nhận xét: “Hệ thống tố tụng lỗi, như lỗi hệ thống báo cháy, không tự phát hiện oan sai”, và “có tình trạng nể nang, du di nhau” theo kiểu “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”, hay tình trạng “3 bộ đồng tình” thống nhất án trước khi truy tố hay xét xử khiến cho việc kiểm sát, việc tranh tụng đôi lúc bị vô hiệu.
Đại biểu này cũng e ngại tình trạng người bị bức cung, nhục hình khi được tha đã quá e sợ tiết lộ, thậm chí buộc phải cam kết không khiếu nại.
Còn bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí, đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho biết, ông không đồng tình với ý kiến cho rằng số lượng oan sai như vậy là “rất ít, không đáng kể.”
“Số lượng như thế đã là báo động lớn trong đời sống xã hội rồi, và nó làm mất đi lòng tin, làm ảnh hưởng tới lòng tin của người dân tới các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vụ ông Chấn, chỉ một mình ông Chấn thôi thì cũng đã chấn động trong cả nước” – đại biểu Lê Như Tiến nói.
Đại biểu cũng xót xa nói: “Một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài, mà người ta lại bị oan sai, bị tù oan hàng chục năm trời. Có rơi vào hoàn cảnh như họ thì mình mới biết...”
Có thể thấy, cũng từ một báo cáo, cùng một con số, nhưng cách nhìn nhận, đánh giá của mỗi Đại biểu là khác nhau, và mỗi phát biểu của Đai biểu cũng nhận được những bình luận khác nhau. Tuy nhiên, trong số đó có một ý kiến đáng suy ngẫm, đó là: "Với người dân, đã có độc giả bình luận rằng, tỷ lệ thấp hay cao là đối với cơ quan có thẩm quyền phán xét, còn với bản thân người bị oan sai hay gia đình họ thì "tỷ lệ này là 100%".
Báo cáo của UBTVQH về tình hình oan sai cho thấy: Trong 219.500 vụ án với hơn 338.000 bị can bị khởi tố, điều tra trong 3 năm qua, số vụ làm oan người vô tội có 71 trường hợp. Có 46 đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, trong đó đã giải quyết 40 đơn. Có 26 vụ/40 bị can nguyên là cán bộ công an bị khởi tố về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 12 vụ/24 bị can về tội dùng nhục hình. |
Ý kiến bạn đọc