Lộ thiết kế đoàn tàu tuyến Metro đầu tiên ở Hà Nội

08:14, 06/06/2015
|

(VnMedia) - Theo đề xuất, đoàn tàu trên cao đầu tiên của Hà Nội (tuyến Cát Linh – Hà Đông), có đầu tàu hình vát nhọn, hiện đại, năng động thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao, kính chắn gió, kính cửa sổ có màu sẫm, cửa sổ ẩn, tạo dáng vẻ hiện đại…

>>
Hà Nội thúc tiến độ đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
>> Đầu 2016, người Hà Nội được đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông
>> 63,2 triệu đô mua đoàn tàu trên cao đầu tiên ở Hà Nội

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ hoàn thành vào cuối năm nay và đưa vào khai thác thương mại từ giữa năm 2016. Vì vậy, để chuẩn bị phương tiện cho tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này đi vào hoạt động, Ban Quản lý dự án đường sắt vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn phương án thiết kế ngoại thất, nội thất của đoàn tàu thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Theo đó, Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ tiến hành mua sắm 13 đoàn tàu, loại tàu B1 của Trung Quốc với cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ.

Nhà sản xuất đoàn tàu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tầu điện ngầm Bắc Kinh (Beijing Rolling Stock Equipment Co., Ltd). Đoàn tàu hoạt động trên tuyến đường sắt này với tốc độ không cao, không đòi hỏi thiết kế khí động học nhưng vẫn cần dáng vẻ hiện đại , năng động với màu sắc, họa tiết trang trí trẻ trung, đầm đà bản sắc văn hóa thủ đô văn hiến nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Trước yêu cầu trên, Tổng thầu Trung Quốc đưa ra 6 phương án thiết kế ngoại thất gồm: phương án 1, 2 và 3 đều có hình dáng đầu tàu hình tròn tù, gần với hình dạng đầu tàu cổ điển, tuy có trang trí hiện đại hơn ở kính, đèn pha, gạt nước, cản trước... chỉ khác nhau ở phần trang trí đường nét màu sắc bên ngoài đoàn tàu.

  Ảnh minh họa

 Mô hình tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Phương án 4 và 5 chỉ khác 3 phương án trên ở phần cản trước chống xô dưới đầu tàu có bo tròn về phía sau.

Phương án 6 đầu tàu có hình vát nhọn, gần với hình dạng khí động học, hiện đại, năng động thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao, kính chắn gió, kính cửa sổ có màu sẫm, cửa sổ ẩn, tạo dáng vẻ hiện đại, nhanh nhẹn nhưng vẫn sang trọng, thích hợp với phong cách, bản sắc văn hóa của thủ đô văn hiến.

Ngoài ra, Tổng thầu cũng đưa ra 4 phương án thiết kế nội thất cho đoàn tàu.

Cụ thể, phương án 1 bố trí hai hàng cột cong về phía cửa sổ, đem lại không gian rộng rãi, người đi tàu thuận tiện hơn khi ngồi nắm tay vào cột, hàng cột giữa dọc theo lối đi giữa toa cho phép hành khách đứng bám ổn định khi đông khách trên toa. Thiết kế này cũng làm tăng không gian cho hành khách khi phải đứng trên tàu.

Phương án 2 thiết kế lấy ý tưởng từ hình ảnh lá sen, loài hoa mang đậm bản sắc dân tộc Việt, thiết kế tấm ốp đầu hai phía đầu ghế tựa hình lá sen và cũng bố trí hai hàng cột giồng như phương án 1.

Phương án 3 và 4 thiết kế hai hàng cột cong vươn ra giữa toa đem lại cảm giác cởi mở hơn. Tuy nhiên, lại giảm không gian cho hành khách khi phải đứng trên tàu.

Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, trên cơ sở nghiên cứu phương án thiết kế do Tổng thầu trình nộp và mô hình tàu mẫu tuyến Metro số 1 TPHCM, kết hợp với việc lựa chọn các phương án thiết kế ngoại thất, nội thất phù hợp với nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, Ban Quản lý dự án Đường sắt đề xuất lựa chọn phương án thiết kế ngoại thất với đầu tàu theo phương án 6.

“Do đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội, do vậy để thể hiện nét đặc trưng văn hóa của thủ đô, Ban Quản lý dự án Đường sắt dự tính lựa chọn biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu, tại vị trí nổi bật, phía dưới là dòng chữ Cát Linh-Hà Đông thể hiện điểm đầu-điểm cuối của tuyến đường sắt đô thị thể hiện trên nền sơn phủ kín đầu trước tạo vẻ trang nghiêm và không đánh số tuyến để tránh phức tạp trong việc quy hoạch các tuyến khác của Hà Nội”, ông Thành nhấn mạnh.

Về phần trang trí đoàn tàu, Ban Quản lý dự án Đường sắt đề nghị, sơn trang trí đoàn tàu sử dụng chất liệu vỏ thép không gỉ với bề mặt được đánh xước mờ, sạch sẽ mà không quá bóng bẩy. Chỉ trang trí họa tiết đầu tàu và dải mầu chỉ thị của tuyến đường sắt đô thị. Màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây tạo cảm giác trẻ trung, năng động nhưng thân thiện môi trường thiên nhiên. Đèn pha đầu tàu lựa chọn loại đèn pha 3 kép (đèn chiếu gần, chiếu xa, đèn đỏ khi ở đuôi tàu).

Đối với thiết kế nội thấy, mẫu tàu này sẽ có kết cấu tay vịn, cột lựa chọn phương án bố trí hai hàng cột cong về phía cửa sổ, đem lại cảm giác không gian rộng rãi, thuận tiện khi ngồi nắm tay vào cột, tấm ốp đầu ghế ngồi tạo hình lá hoa sen. Ghế ngồi bố trí dãy ghế dài dọc vách toa dưới cửa sổ; giữa toa là lối đi hoặc chỗ đứng cho hành khách ngồi khi tàu tăng tốc hoặc hãm dừng. Tại đầu toa có bố trí hai dãy ghế dành riêng cho người khuyết tật, phụ nữ mang thai.

Bảng thông tin hiển thị lựa chọn màn hình bố trí phía trên các cửa lên xuống, có kích thước lớn, rõ ràng, hiện đại thể hiện các thông tin thuận tiện cho hành khách đi tàu (ga đến, ga đang dừng, bản đồ tuyến, thời gian, phía cửa mở...).

“Phương án thiết kế nội, ngoại thất đoàn tàu sau khi được thống nhất, chấp thuận của cấp thẩm quyền sẽ là cơ sở để đàm phán và yêu cầu Tổng thầu thực hiện xây dựng bản vẽ chế tạo đoàn tàu song song với các công tác sản xuất mô hình đầu tàu mẫu để tiết kiệm thời gian”, ông Thành phân tích.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, được khởi công tháng 10/2011,có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD, trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 169 triệu USD; vốn vay ưu đãi là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 2.123 tỷ đồng. Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh tổng mức đầu tư của tuyến đường tăng thêm 315 triệu USD so với phê duyệt ban đầu.

Toàn tuyến đường sắt dài 13 km chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa hai làn đường bộ thuộc trục Hào Nam - Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông).


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc