(VnMedia) - Thay vì trộn lẫn các câu hỏi khó - dễ như trong đề thi minh hoạ, đề thi THPT quốc gia chính thức sẽ được thiết kế với cấu trúc gồm khối câu hỏi cơ bản và khối câu hỏi nâng cao.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia tại Tuyên Quang. Ảnh nguồn: Dân trí |
Ngày 25/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia tại Tuyên Quang. Tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố thêm đề thi minh họa theo thiết kế mới để học sinh yên tâm.
Trước đề nghị của Phó Thủ tướng cùng với một số ý kiến liên quan đến độ khó và kết cấu của đề thi minh họa, Cục trưởng Cục Khảo thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), ông Mai Văn Trinh, cho biết: Ngay sau khi đề thi minh họa đưa lên mạng, Cục đã có bộ phận phân tích chi tiết cụ thể, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phản hồi, để chỉnh sửa đề thi, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh khi làm bài.
Theo ông Trinh, thay vì trộn lẫn các câu hỏi khó - dễ như trong đề thi minh hoạ, đề thi chính thức sẽ được thiết kế với cấu trúc gồm khối câu hỏi cơ bản và khối câu hỏi nâng cao.
Ông Trinh cũng nói rõ: “Điều kiện xét tốt nghiệp cho các em năm nay không chỉ có điểm trung bình 4 môn thi (50%) mà còn tính cả điểm trung bình của HS trong năm lớp 12 (50%), ngoài ra còn điểm khuyến khích theo đối tượng, theo khu vực. Vì vậy các em HS, phụ huynh không nên quá lo lắng”.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, tới thời điểm này chưa có tỉnh miền núi nào tổ chức thi thử, nhưng qua khảo sát của các trường THPT thì có học sinh đạt kết quả ở cả mức độ khó lẫn trung bình.
Từ nay đến khi bắt đầu vào công tác làm đề thi, Bộ sẽ tiếp tục tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các địa phương về đề thi minh họa để công tác thiết kế đề thi đáp ứng được yêu cầu sao cho để các cháu học để thi tốt nghiệp phổ thông không có áp lực và phân luồng tốt ở trên để vào đại học.
Đồng tình với hướng tiếp thu của Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ: “Chúng ta đổi mới cách thi cho học sinh nhưng vẫn dựa trên kết quả học sách giáo khoa cũ, phương pháp giảng dạy cũ, chương trình cũ, yêu cầu cũ, vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia không phải là siết chặt lại mà tạo một mặt bằng trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở, điều kiện cho quá trình đổi mới. Đồng thời tạo đà cả hệ thống vào cuộc, xã hội đồng thuận, có lòng tin vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”.
Ý kiến bạn đọc