(VnMedia) - Năm 2015, TP Hà Nội có kế hoạch triển khai thanh thải, sắp xếp, bó gọn đường dây, cáp đi nổi trên 200 tuyến phố với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.
>> Tháng 3, Hà Nội tiếp tục dọn “mạng nhện”
Đó là thông tin được lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 26/5.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến ngày 21/5, đơn vị này đã tổ chức thanh thải, sắp xếp, bó gọn các dây cáp, dây thông tin đi nổi tại 38/50 tuyến phố với chiều dài toàn tuyến 17,2 km, trên 247 cột chiếu sáng, 299 cột bê tông ly tâm, thanh thải được trên 688 nghìn mét dây, cáp đeo bám trên các cột chiếu sáng.
Sở cũng đã trồng bổ sung 30/52 cột bê tông ly tâm, thay thế các cột yếu, gây mất mỹ quan và hỗ trợ công tác thanh thải. 12 tuyến còn lại Sở sẽ hoàn thành trước 31/6/2015.
Tổng Công ty điện lực Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh thải, sắp xếp đường dây tại 65/78 tuyến phố; trong đó, đơn vị chủ trì thực hiện tại 31 tuyến, tổng chiều dài 28,5km với 852 cột điện, ước tính thanh thải gần 1 triệu mét dây các loại.
Ngoài ra, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã thực hiện thanh thải, bó lại dây cáp trên 12 tuyến (với 35 phố), chiều dài trên 13km. Dự kiến, quận sẽ hoàn thành thanh thải, sắp xếp 44 tuyến còn lại trước 31/6/2015.
Năm 2015 này, Hà Nội sẽ bó lại hệ thống dây cáp trên 200 tuyến phố. |
Theo đại diện Sở Xây dựng, trong quá trình triển khai, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thường xuyên cử cán bộ phối hợp với liên ngành, thống nhất với các đơn vị về công tác quản lý, cấp phép xây dựng, lắp đặt các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố, nhất là các tuyến đã hoàn thành thanh thải, sắp xếp trong năm 2014.
Tuy nhiên, do một số tuyến phố có cả cột điện lực và cột chiếu sáng chưa có sự thống nhất giữa các đơn vị chủ sở hữu cột về lịch cắt dây, dẫn đến phải chờ đợi và ảnh hưởng đến giao thông; việc phối hợp giữa các đơn vị thanh thải và các đơn vị chủ sở hữu đường dây chưa tốt, dẫn đến việc cắt nhầm dây đang hoạt động, ảnh hưởng đến người dân...
Vì vậy, để hạn chế việc ảnh hưởng đến người dân, trong thời gian tới, Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị triển khai và các đơn vị chủ sở hữu cột, đường dây tăng cường phối hợp trong quá trình thi công, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị; thông tin rộng rãi về biện pháp và tiến độ triển khai, đảm bảo thời gian lắp xà đỡ dây (7 ngày) để các đơn vị viễn thông đủ điều kiện treo mắc, hạn chế việc cắt nhầm dây.
"Việc sắp xếp thanh thải đường dây cáp đi nổi sẽ là việc thường xuyên liên tục, trên cơ sở rà soát toàn bộ các tuyến đường dây cáp đi nổi trên địa bàn thành phố. Một trong những giải pháp để sắp xếp chính là sắp xếp bó gọn. Còn để làm triệt để thì cần có những giải pháp dài hơi hơn là phải hạ ngầm. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh phí có hạn thì giải pháp bó gọn trước mắt cũng đem lại mỹ quan đô thị và đảm bảo được yêu cầu về an toàn", ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.
Theo ông Phong, năm 2015, TP Hà Nội có kế hoạch triển khai thanh thải, sắp xếp, bó gọn đường dây, cáp đi nổi trên 200 tuyến phố, tổng kinh phí thực hiện khoảng 10 tỷ đồng.
Ý kiến bạn đọc