Đại biểu quốc hội: Hà Nội cần tổng rà soát vườn hoa, sân chơi

06:50, 27/05/2015
|

(VnMedia) - “Hà Nội rất cần phải có một cuộc tổng rà soát, đánh giá chung để có số liệu minh bạch hơn, đưa ra nhận định và phương hướng giải quyết phù hợp đối với việc phát triển vườn hoa, sân chơi trong khu dân cư” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội  nói khi trao đổi với VnMedia về thực trạng thiếu vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư ở Hà Nội.


>> Hà Nội và những "cuộc chiến" giành lại sân chơi

>> Hà Nội ưu tiên ô tô hay con người?
>> Sân chơi ở Hà Nội đang “biến mất” như thế nào?
>> Trẻ em Hà Nội đi hơn chục km chỉ để chơi… xích đu

Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải


- Hà Nội hiện đang rất thiếu không gian công cộng, trong đó đặc biệt là vườn hoa, sân chơi miễn phí trong các khu dân cư, nơi người dân có thể đi bộ đến hàng ngày một cách tiện lợi, an toàn. Bà có nhận xét gì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Vấn đề vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích không phải là chuyện mới. Tôi là người làm trong Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, cũng nhận được nhiều ý kiến của cử tri, đặc biệt là khu vực thành thị, liên quan đến quỹ đất dành cho việc vui chơi của trẻ em.

Quyền vui chơi của trẻ em đã được quy định trong Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, mà Việt Nam đã ký cam kết. Đây là vấn đề hết sức nan giải.

Đối với khu vực thành thị lâu năm như Hà Nội, trước đây, những khu tập thể như Trung Tự, Kim Liên… đều có những khu vực vui chơi chung như sân tập thể, ở đó đều có trang bị các thiết bị chơi.  Ngày xưa, mật độ khu Trung Tự, Kim Liên rất thưa thớt, sân chơi với trẻ em là dư thừa. Còn bây giờ dân số quá đông, chúng ta giải quyết bằng cách xây nhà cao tầng, nhưng giá thành đất quá cao nên nảy sinh mong muốn khai thác lợi nhuận.

Việc xử lý, chế tài đối với những khu vực vui chơi cho trẻ em đã có chứ không phải không có, nhưng thực hiện không tốt. Người dân lấn chiếm cho các mục đích khác như trông xe, bán hàng quán…, dần dần họ làm hỏng tất cả những thiết bị đó. Lâu dần, trẻ em không đến chơi vì bẩn quá, cuối cùng khu vui chơi của trẻ em biến thành khu kinh doanh theo lợi nhuận. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân chính là việc buông lỏng quản lý.

Như vậy, có thể khẳng định, các khu vui chơi trước đây quy hoạch đã có, nhưng do chúng ta quản lý yếu kém nên những khu vui chơi đó dần dần biến mất. Thứ 2 là do tỷ lệ dân số tăng cao, con người có thể sinh ra nhưng đất không sinh ra được nên càng thiếu không gian công cộng .

- Vậy theo bà, Hà Nội cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

Theo tôi, phải dùng biện pháp hành chính thu hồi lại những khu vui chơi cho trẻ em, và ít nhất, mỗi phường, mỗi quận phải có một nhà văn hóa thiếu nhi, cung văn hóa thiếu nhi.

Nhưng điều quan trọng hơn là cách sử dụng các khu vực công cộng đó. Ngay như Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội, tôi thấy rằng kém rất nhiều so với thời tôi còn bé. Việc đầu tư cho những khu vực vui chơi có sẵn và trang bị những thiết bị phù hợp với đời sống xã hội hiện tại, dù là đầu tư của nhà nước hay xã hội hóa là rất cần thiết. Hiện nay, phụ huynh muốn cho con đi chơi có khi phải đi hàng chục km, đến muộn còn không có chỗ để chơi…, vì vậy, ngoài việc đầu tư của nhà nước, xã hội hóa… thì cần phải có chính sách, có chế tài xử lý mạnh đối với những cơ quan không quan tâm để xử lý những vấn đề này.

- Hiện nay, Thành phố có chính sách đấu giá đất xen kẹt để tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nhu cầu về không gian công cộng trong các khu dân cư là rất quan trọng. Bà nghĩ sao về ý kiến nên dừng đấu giá đất xen kẹt để ưu tiên cho những mục đích công cộng tại khu dân cư như vườn hoa nhỏ, sân chơi hay nhà cộng đồng?

Trên thực tế, nếu đi rà soát cụ thể thì phụ thuộc vào từng khu vực cụ thể, xem khu đất đó có phù hợp với không gian công cộng hay không. Ngoài ra, ngân sách nhà nước eo hẹp, việc đấu giá đất có thể dùng vào nhiều việc, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên ưu tiên cho các hoạt động cộng đồng. Ví dụ như quận Cầu Giấy không đấu giá đất xen kẹt mà dùng hết cho các mục tiêu công cộng như nhà cộng đồng, sân chơi, vườn hoa… thì đó là một việc rất tốt. Đó là một hoạt động phi lợi nhuận, mang lại đời sống tinh thần cho người dân.

- Có một thực tế là khi được hỏi về đất dành cho không gian công cộng thì đa số chính quyền phường đều trả lời “hết đất”. Nhưng ý kiến nhiều người dân lại cho rằng còn nhiều mảnh đất không rõ mục đích sử dụng, hay dự án treo quá thời hạn quy định của nhà nước… Vậy theo bà, cần phải làm gì để giải quyết tình trạng này?

Theo tôi, đối với những Thành phố như Hà Nội rất cần phải có một cuộc tổng rà soát, đánh giá chung để có số liệu minh bạch hơn, đưa ra nhận định và phương hướng giải quyết phù hợp. Chứ nếu chính quyền cứ nói hết rồi, chúng ta lại bảo là còn nhiều, nhưng trên thực tế là có bao nhiêu mảnh đất, diện tích là bao nhiêu thì không không biết chắc chắn. Vì vậy, việc rà soát sẽ cho ra những số liệu để căn cứ vào đó có chính sách cho phù hợp.

Ngoài ra, cần quan tâm thực sự đến chất lượng của các khu vui chơi chứ không chỉ là số lượng. Trên thực tế, như công viên Cầu Giấy, dù đã được quy hoạch, dành quỹ đất để làm công viên nhưng đã bị buông lỏng quản lý dẫn đến hiện tượng đổ đất phế thải cao đến 5 tầng nhà. Lúc này trách nhiệm thuộc về đâu? Trong Luật nhà ở không ghi rõ là cơ quan nào chịu trách nhiệm đầu tư công viên và thời gian hoàn thành… nên chắc chắn phải quy định ở những Thông tư để đảm bảo các quy định này sẽ được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn.

- Vâng, xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An:

Tôi yêu cầu Hà Nội phải thu hồi ngay những diện tích bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích, trả lại sân chơi, sân bóng cho trẻ em. Phải có lộ trình và bắt tay ngay lập tức chứ không thể để lâu. Tôi đề nghị trong năm 2015 phải làm xong việc này. Để xảy ra tình trạng lấn chiếm là do lỗi quản lý không nghiêm khắc.

Hiện đang có quy định đấu giá đất xen kẹt để bổ sung vào ngân sách chi cho việc nọ việc kia, tôi rất ủng hộ việc dùng đất xen kẹt để xây dựng những cơ sở để cho sinh hoạt động đồng như nhà văn hóa, thư viện, sân chơi… bởi dân còn phải sống, phải vui chơi lành mạnh toàn diện.

Trong quy hoạch dự án mới, nếu dành được cho khu vui chơi giải trí thì phải làm ngay, dứt khoát công bố công khai gồm những nội dung gì trong dự án, bao nhiêu % xây dựng nhà cao tầng, bao nhiêu thấp tầng, bao nhiêu % cho văn hóa, vui chơi… đề nghị công khai minh bạch, có tham vấn cộng đồng thì chắc chắn sẽ xử lý được.

Trẻ em hôm nay chính là nguồn lực của đất nước, mà Việt Nam đang rất cần nguồn lực có chất lượng cao về thẩm mỹ, trí tuệ, nhân cách…Chăm sóc trẻ em hôm nay là để chuẩn bị tốt cho ngày mai.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc