( VnMedia) - Ngoại trưởng Australia, bà Julie Bishop hôm qua (25/5) đã công bố chiến lược ‘Phát triển cho mọi người 2015-2020: Chiến lược đẩy mạnh phát triển có tính đến yếu tố người khuyết tật trong các chương trình viện trợ của Australia’.
Tỷ lệ người khuyết tật hiện chiếm khoảng 15% dân số toàn cầu. Họ là những người có sức khỏe kém hơn, thành tích học tập hạn chế hơn, tham gia vào nền kinh tế ít hơn và có tỷ lệ nghèo đói cao hơn so với những người không khuyết tật. Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Hugh Borrowman đã nói “Việc tính đến yếu tố người khuyết tật trong phát triển là một việc làm đúng đắn. Nó sẽ giúp giảm thiểu đói nghèo, tăng trưởng kinh tế và giúp mạng lại các thành tựu phát triển tốt hơn cho tất cả mọi người.”
Chị Nguyễn Thị Vân (Van Theresa), Giám đốc trung tâm ‘Nghị lực sống’ (ngồi giữa), và các thành của buổi đào tạo.
Tại Việt Nam, Australia thúc đẩy sự phát triển có tính đến người khuyết tật thông qua nhiều gói hỗ trợ khác nhau. Australia giúp những người khuyết tật nâng cao chất lượng sống thông qua những dự án viện trợ đang được thực hiện và cả những dự án trong tương lai bằng cách tham vấn và theo dõi sự tham gia của họ vào các hoạt động của dự án, đồng thời làm việc với các cơ quan, tổ chức chuyên hỗ trợ người khuyết tật và các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện dự án.
Trước buổi công bố văn bản nói trên, nhóm công tác Hợp tác vì sự Phát triển của Chính phủ Australia (GPFD) đã tài trợ cho một buổi đào tạo tại Đà Nẵng như một phần của chương trình “Nâng cao năng lực nguồn nhân lực Việt Nam: Cung cấp dịch vụ hiệu quả trong phòng chống lại bạo hành với phụ nữ và mua bán người”
Cô Nguyễn Thị Vân (Van Theresa), Giám đốc của trung tâm Nghị lực sống, đồng thời là một cựu du học sinh của Australia (năm 2014) đã phát biểu “Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại Việt Nam là một vấn đề ít được biết đến nhưng lại rất nghiêm trọng. Sự kết hợp giữa phân biệt giới tính và phân biệt đối xử với người khuyết tật đã khiến họ không được chấp nhận và dễ trở thành nạn nhân của bạo lực.”
Bài trình bày của Vân được đặc biệt chú ý khi nó đã đặt vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong hoàn cảnh của những người khuyết tật tại Việt Nam, một vấn đề đầy thách thức những suy nghĩ sẵn có của những người tham gia buổi đào tạo, đồng thời gợi mở những cơ hội làm việc cho phụ nữ và trẻ em gái bị khuyết tật.
Australia cũng hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam qua những học bổng ngắn hạn và dài hạn của Chương trình Học bổng Chính phủ Australia (Australia Awards). Australia ưu tiên và hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận học bổng thông qua Quỹ Tiếp cận Bình đẳng (Equity of Access Fund). Quỹ giúp người khuyết tật trong việc nộp hồ sơ xin học bổng, hỗ trợ trong quá trình học tập của họ tại Australia và đảm bảo khi về nước, họ sẽ vẫn sinh hoạt tích cực trong các hoạt động của cựu du học sinh Australia. Mười lăm người khuyết tật Việt Nam đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ Australia cho việc học tập và sinh sống tại Australia trong năm vừa qua.
Ý kiến bạn đọc