Phóng viên duy nhất quay được cảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

14:30, 30/04/2015
|

(VnMedia) - Phóng viên chiến trường người Úc Neil Davis là người luôn tự đặt mình vào đúng vị trí và thời điểm để quay được những thước phim ý nghĩa nhất. Anh là người duy nhất quay được cảnh xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập tại Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Lòng can đảm cùng sự may mắn đã theo phóng viên Neil trên hầu hết các lần săn tin, mà đỉnh cao là thời điểm anh trở thành người duy nhất quay được cảnh xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập tại Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Ảnh minh họa 

Hình ảnh xe tăng Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập tại Sài Gòn.

Ảnh minh họa 

Phóng viên Neil Davis trên chiếc phi cơ trong cuộc chiến tại Việt Nam.

"Hoan nghênh các vị tới Sài Gòn, tôi chờ ở đây để quay phim cảnh giải phóng", Neil Davis sau đó kể lại rằng câu nói tiếng Việt này đã giúp anh được an toàn tác nghiệp vào thời điểm vô cùng quan trọng này..

Theo lời kể của ông Jim Laurie, một cựu phóng viên NBC cũng từng ở lại Việt Nam trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, nhóm của NBC, trong đó có Jim và Neil, vẫn bám trụ ở lại Sài Gòn.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Jim cho hay Neil có biết một nhân vật thuộc mặt trận dân tộc giải phóng, và người này cho biết phóng viên nước ngoài sẽ được đảm bảo an toàn dưới chính quyền mới.

Ông Laurie cũng kể lại rằng khi đi quay phim, để đảm bảo an toàn cho ông (một người mang quốc tịch Mỹ), “Neil có dặn đi dặn lại là khi đi quay tôi luôn phải đứng sau ông ấy. Để khi người ta hỏi ông sẽ trả lời là người Úc, và tôi chỉ cần gật đầu theo”.

Tờ New york Times nhận định Davis đã ở lại đến những thời khắc cuối cùng của cuộc chiến, trong khi những người khác đã rời đi. Anh đã đặt cược, và chiến thắng.

Vậy mà 10 năm sau vào ngày 9/9/1985, sau khi săn được những tin và hình ảnh độc đáo, anh đã bỏ mạng khi diễn ra âm mưu đảo chính chớp nhoáng tại Thái Lan.

Những ngày còn sống, Davis  là một trong số 3 quay phim hàng đầu tại Đông Dương. Anh ấy gan dạ, nhưng có tính toán một cách chuyên nghiệp”, Derek Williams, một đồng nghiệp và người bạn lâu năm của Neil Davis, chia sẻ.

Anh ấy là người chuyên nghiệp và tính toán, ông ấy không tiến vào chiến trường, đó là điều kỳ lạ không thể lý giải về cái chết của anh tại Thái, nơi diễn ra một cuộc đảo chính, Derek Williams  nói tiếp.

Hôm đó, Neil và người phụ trách âm thanh của anh, Bill Latch, làm việc cho kênh truyền hình Mỹ NBC, đang ghi hình các phe phái chính trị trước một đài phát thanh quân đội Thái Lan khi những chiếc xe tăng nã pháo vào tòa nhà.

Neil luôn làm việc theo nguyên tắc “nơi nguy hiểm nhất là tôi an toàn nhất”. Anh ấy đứng cách những chiếc xe tăng chưa đầy 50m khi chúng bắn dồn dập.

Cảnh phim cuối cùng anh ghi được là “được quay bằng máy quay cầm tay, vững chãi như một tảng đá, và rồi chiếc xe tăng bắt đầu nã pháo”.

 Williams kể lại: “Vì bạn biết chuyện gì sắp xảy ra, bạn sẽ muốn nói: “Neil, đừng quay phim nữa, ra khỏi chỗ đó ngay”, nhưng anh ấy không nghĩ rằng chúng sẽ bắn”.

 Việc cuối cùng Neil Davis làm buổi sáng ngày anh thiệt mạng là trả tiền cá cược một trận cricket với Rodney Tasker, một đồng nghiệp phóng viên người Anh, vì đội Aussies đã thua Ashes.

Mảnh giấy Neil gửi lại cho người bạn có viết: “Chúc may mắn, Tasker, chúc may mắn”. Neil đã không biết rằng may mắn đã không ở lại với chính anh trong ngày hôm đó.

Mai Lan - (theage.com.au)

Ý kiến bạn đọc