(VnMedia) - Chỉ đạo tại cuộc họp sáng 2/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, tất cả các gói thầu của Dự án xây dựng đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông phải triển khai đồng loạt, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ một nhà ga làm mẫu để nhân rộng; cuối năm 2015, cơ bản phải xong phần hạ tầng, có một số đoàn tàu hoạt động thử….
>> Tổng thầu Trung Quốc lại bị phê bình vì thi công mất an toàn
>> Tổng thầu Trung Quốc bị Bộ Giao thông cảnh cáo
>> Tổng thầu hứa thay Giám đốc dự án Cát Linh–Hà Đông
Sáng ngày 2/4, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) sau một thời gian dài bị đình trệ vì liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do việc thi công không đảm bảo an toàn.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đường sắt cho biết, sau sự cố sập giàn giáo xảy ra ngày 28/12/, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị dừng thi công. Đến ngày 28/1/2015, có 8 hạng mục được thi công trở lại và đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các hạng mục đã được thi công; công tác phối hợp giữa Ban QLDA, Tổng thầu và đơn vị tư vấn giám sát đã được tăng lên.
Tham dự cuộc họp, đại diện Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc – đơn vị Tổng thầu dự án cho biết, sau chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, công tác tổ chức, nhân sự của Tổng thầu có nhiều thay đổi, Tổng Giám đốc của dự án cũng đã được thay thế và Phó Tổng công trình sư của Tập đoàn đã được điều động sang Việt Nam làm Tổng công trình sư của dự án. Ngoài ra, Tổng thầu cũng đã bổ sung nhiều cán bộ Trung Quốc sang Việt Nam thực hiện dự án.
V iệc công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa thi công vừa phục vụ đi lại đã không ít lần gây tai nạn cho người tham gia giao thông ở Thủ đô. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Sau khi nghe các đơn vị liên quan báo cáo, chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá, sau khi sự cố xảy ra, Tổng thầu và Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đường sắt đã có điều chỉnh theo hướng tích cực như: tăng cường nhân lực, tổ chức lại phương án thi công, tăng cường phối hợp giám sát giữa đơn vị tư vấn giám sát (TVGS) Trung Quốc và TVGS của Việt Nam (Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải), Ban QLDA Đường sắt từng bước đưa dự án thi công trở lại bình thường… Tuy nhiên, tiến độ thi công dự án còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, Tổng thầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động; chủ động trong việc đảm bảo các điều kiện trong hợp đồng như việc xây dựng định mức đơn giá, tiến độ…; kiểm tra lại hợp đồng với các nhà thầu phụ trình Ban QLDA Đường sắt xem xét, đồng thời thanh toán ngay tiền nợ cho các nhà thầu phụ.
Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, trước 15/5, Tổng thầu phải xây dựng xong toàn bộ các hồ sơ dự toán; tất cả các gói thầu phải triển khai đồng loạt, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ một nhà ga làm mẫu để nhân rộng. Đến cuối năm 2015, phải cơ bản xong phần hạ tầng, có một số đoàn tàu hoạt động thử để đến tháng 3 năm 2016, dự án sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.
Lãnh đạo Bộ Giao thông chỉ đạo, Ban QLDA Đường sắt, cần phối hợp chặt chẽ với Tổng thầu để hoàn thiện tiến độ tổng thể dự án; phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng và hoàn thành tổng mức đầu tư; kiểm soát chất lượng công trình, dòng tiền dự án của Tổng thầu; rà soát lại công nghệ, kỹ thuật được áp dụng vào dự án; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Giám đốc điều hành dự án; chủ động giúp Tổng thầu giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án…
Toàn tuyến đường sắt đô thị số 3 Cát Linh- Hà Đông, có chiều dài khoảng 13,5km, được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8.
Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.
Dự án có tổng mức đầu tư của khoảng 8.700 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đường sắt, trước thuộc Cục Đường sắt Việt Nam nay đã chuyển về Bộ GTVT quản lý. Nhà thầu EPC của dự án là Công ty xây dựng Hải ngoại - Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.
Ý kiến bạn đọc