(VnMedia) - Liên quan đến việc xác định và xử phạt hành vi thông tin sai sự thật trên báo chí, các cơ quan truyền thông kiến nghị quy về một đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông chứ không phải tất cả các bộ, ngành như trước đây. Cùng với đó là kiến nghị bổ sung chế tài đối với Người phát ngôn Cơ quan Nhà nước đối với 3 hành vi là: Chậm cung cấp thông tin; Cung cấp thông tin sai; Cung cấp thông tin không đầy đủ.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cùng một số cơ quan báo chí vừa có Bản Kiến nghị về việc đề nghị hủy bỏ chế tài xử phạt báo chí trong 08 Nghị định và bổ sung chế tài xử phạt Người phát ngôn Cơ quan Nhà nước về cung cấp thông tin vào Nghị định 159/2013/NĐ-CP.
Theo phân tích của Bản Kiến nghị này thì về Quyền phán quyết về thông tin sai sự thật trên báo chí, qua phân tích về các quy định của luật pháp, có thể hiểu “sự thật trên báo chí” có thể phụ thuộc vào nội dung kết luận của “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Nhưng thực tiễn qua khảo sát của MEC thì trong đa số các vụ việc tranh chấp đúng – sai về thông tin chuyên ngành, kết luận của bộ quản lý ngành được coi là “kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Mặt khác, cũng theo quy định của pháp luật hiện hành thì người đứng đầu tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước phải có nghĩa vụ trả lời các vấn đề báo chí nêu. Nhưng theo rà soát của Bộ Tư pháp về 53 Nghị định hướng dẫn Luật Xử phạt hành chính thì có khoảng 10 Nghị định do các bộ, ngành soạn thảo có chứa chế tài xử phạt “thông tin sai sự thật” đối với nhà báo và cơ quan báo chí.
“Như vậy, từ chỗ có NGHĨA VỤ giải trình thông tin báo nêu, nay các bộ, ngành có QUYỀN xác định “đúng sai” và xử phạt các thông tin (được cho) là “sai sự thật” viết về ngành, lĩnh vực mình quản lý.” – Bản Kiến nghị nêu rõ.
Không những thế, Dự thảo Nghị định mà Bộ Tư pháp trình Chính phủ cũng quy định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản”. Sau đó các bộ ngành chuyển biên bản vi phạm hành chính cho Bộ Thông tin & Truyền thông ra quyết định xử phạt theo biên bản này.
“Do các bộ ngành được trao quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính của nhà báo nên Bộ Thông tin & Truyền thông, mặc dù là cơ quan quản lý báo chí, nhưng cũng không có quyền phủ quyết mà chỉ có thể ra quyết định xử phạt theo biên bản mà các bộ ngành khác đã lập.” – Bản Kiến nghị phân tích.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu phát biểu tại hội thảo và trên báo chí, việc quy định như vậy từ chỗ là đối tượng bị báo chí phản ánh, các bộ, ngành lại trở thành trọng tài phán quyết thông tin đúng – sai trên báo chí. Điều này tạo ra nguy cơ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hạn chế tính phản biện, phê bình của báo chí.
Đối với việc cung cấp thông tin cho báo chí, Bản Kiến nghị cho rằng, trong tình hình mạng xã hội, blog cá nhân phát triển rất mạnh như hiện nay thì việc xử lý tin đồn, tin sai sự thật là mong muốn của cả nhà báo và công chúng chứ không chỉ của cơ quan nhà nước. Vì vậy, việc các cơ quan nhà nước mong muốn giải quyết vấn đề xử lý tin không chính xác trên báo chí là một mong muốn chính đáng.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu - khảo sát của MEC tiến hành năm 2013 với 279 nhà báo ở 19 tỉnh, thành phố và khoảng 30 cơ quan báo chí, cơ quan nhà nước cho thấy, chỉ có 25% các cơ quan nhà nước trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí đúng thời hạn và trong số này chỉ có 25% thông tin có “kết quả giải quyết” như luật quy định. Số còn lại chỉ dừng ở “thông tin vỏ” như “chúng tôi đã nhận được đơn thư, đang giải quyết”.
“Nghĩa là có 90% những vấn đề bức xúc mà công dân gửi đến cơ quan nhà nước thông qua báo chí đã không hoặc chậm được xử lý, trả lời.” – Bản Kiến nghị nêu rõ.
Mặt khác thực tiễn cũng cho thấy có một số cán bộ có thẩm quyền ở cơ quan nhà nước đã cố tình báo cáo sai, báo cáo không đầy đủ sự việc ở ngành, địa phương mình quản lý...
|
Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền phán quyết
Gần đây cộng đồng báo chí rất hoanh nghênh việc Chính phủ đề ra chủ trương xử lý tin đồn, tin sai sự thật bằng cách thức chủ động cung cấp thông tin: chinh xác, kịp thời, đầy đủ cho báo chí và người dân. Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh điều này, song để thực thi, ngoài sự quyết liệt chỉ đạo cần có các chế tài pháp luật để thực thi.
Cụ thể, tại Nghị định 159/2013 do Bộ Thông tin & Truyền thông soạn thảo chỉ có chế tài cho việc KHÔNG cung cấp thông tin ở Điều 9 với mức phạt rất nhẹ: 200.000-500.000 đồng. Dù vậy, mức phạt tuy rất nhẹ (so với mức phạt đến 100 triệu đồng mà dự thảo Nghị định sửa đổi đề nghị thêm vào Điều 8a) nhưng cũng chưa bao giờ được thực thi. Thêm vào đó, Nghị định 159/2013 lại chưa có chế tài cho 3 hành vi khác có khả năng gây ảnh hưởng đến quá trình thông tin, diễn ra khá phổ biến của các cơ quan nhà nước, bao gồm: Chậm cung cấp thông tin; Cung cấp thông tin sai; Cung cấp thông tin không đầy đủ.
Đề xuất hướng xử lý cho những bất cập nêu trên, các đại biểu đã thống nhất đưa ra 3 đề xuất đối với Tờ trình của Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định.
Theo đó, đề nghị hủy bỏ tất cả các điều khoản quy định về xử phạt nhà báo, cơ quan báo chí ở 8 Nghị định do các Bộ, ngành soạn thảo, đồng thời không bổ sung thêm Điều 8a như Dự thảo và không quy định thẩm quyền xác định hành vi thông tin sai sự thật cho các bộ, ngành;
Thứ hai, các đại biểu đề nghị thống nhất giao một đầu mối là Bộ Thông tin & Truyền thông xác định và xử phạt hành vi thông tin sai sự thật theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản.
Thứ 3, đề nghị bổ sung chế tài đối với Người phát ngôn Cơ quan Nhà nước vào Điều 9 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản khi có 3 hành vi là: Chậm cung cấp thông tin; Cung cấp thông tin sai; Cung cấp thông tin không đầy đủ.
Ý kiến bạn đọc