Uber chỉ được hoạt động nếu đủ điều kiện

08:29, 23/12/2014
|

(VnMedia) - Làm việc với đại diện của Uber, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Thanh tra Bộ Giao thông vận tải kiểm tra đột xuất và định kỳ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Uber.Nếu không đủ điều kiện theo quy định thì cả Uber và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều phải chịu trách nhiệm và phương tiện không được hoạt động.

>>
Uber bị Hiệp hội vận tải Hà Nội từ chối hợp tác
>> Thủ tướng chỉ đạo xem xét loại hình taxi Uber
>> Lại kiến nghị dừng hoạt động taxi Uber
>> Taxi Uber là dịch vụ bất hợp pháp

Theo Bộ Giao thông vận tải, chiều ngày 22/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với ông Jordan, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Uber về hoạt động của hãng này tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Jordan Condon, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Uber cho biết: Dịch vụ Uber được khởi nghiệp từ năm 2010 với tên gọi đầu tiên gọi là Uber black, là một dịch vụ cho thuê xe hạng sang.

Theo đại diện Uber tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, việc phát triển dịch vụ của Uber đã tạo ra một loại hình dịch vụ mới giúp cho người di chuyển có thể có được lựa chọn về phương tiện đáng tin cậy hơn và an toàn hơn. Cùng với đó, trước khi sử dụng dịch vụ này, người sử dụng có thể biết trước được tài xế, loại xe và mức phí của quãng đường mà mình đi…

“Chúng tôi nhìn thấy những dịch vụ mà mình phát triển có thể tận dụng được hoạt động của các loại xe đang chạy rất lãng phí ở trên đường. Ý tưởng của chúng tôi là phát triển ra một ứng dụng để phát huy được lợi thế và hiệu quả của các phương tiện vận tải. Sau 4 năm, các hoạt động của Uber đã trải rộng trên 260 thành phố của 53 quốc gia”, ông Jordan cho biết.


Ảnh minh họa

 Mô hình Uber dùng ít nhân lực, không cần tổng đài điều phối.


Chỉ cho phép Uber hoạt động nếu đủ điều kiện

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam luôn luôn hoan nghênh và khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước được thực hiện những điều mà pháp luật không cấm.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ Việt Nam, Bộ GTVT khuyến khích hoạt động kinh doanh của Uber cũng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Trước việc đại diện của Uber khẳng định, Uber không kinh doanh vận tải mà chỉ phát triển công nghệ với phần mềm ứng dụng trong kinh doanh vận tải, Bộ trưởng cho rằng, Uber không phải là đối tượng quản lý của Bộ GTVT. Tuy nhiên, Uber có hoạt động liên quan đến kinh doanh vận tải.

"Quan điểm của Bộ GTVT là  luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, cho doanh nghiệp và góp phần giảm lưu lượng giao thông, giảm chi phí và cước vận tải, nhưng cũng đảm bảo được nghĩa vụ với nhà nước và trên hết là đảm bảo an toàn cho người dân", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng giao cho Vụ Vận tải có công văn gửi cho Uber đề nghị khi thực hiện ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải tại Việt Nam thì phải là nhưng đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải theo đúng Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Quy định này chỉ rõ các xe hoạt động phải có phù hiệu, logo, thiết bị giám sát hành trình… thì mới được cung cấp dịch vụ. Đồng thời, có công văn gửi các đơn vị kinh doanh vận tải đã và sẽ ký hợp đồng với Uber phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật khi cung cấp phương tiện và lái xe theo ứng dụng của Uber.

Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra đột xuất hoặc định kỳ của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ của Uber cũng như thanh tra các phương tiện mà Uber sử dụng. Nếu không đủ điều kiện theo quy định thì cả Uber và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều phải chịu trách nhiệm và phương tiện không được hoạt động.

Tại buổi làm việc, người đứng đầu ngành giao thông cũng đề nghị Uber nghiên cứu ứng dụng công nghệ tương tự trên lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa, nhằm hướng tới giảm chi phí lưu thông hành khách, hàng hóa hai chiều trên những chặng dài, tiết kiệm, hiệu quả, giảm mật độ lưu thông và đảm bảo an toàn hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 20/12 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên đã có thư ngỏ từ chối hợp tác với Uber taxi tại Việt Nam.

Theo ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, khoảng 15h ngày 12/12 vừa qua, một người tự xưng là đại diện của “hãng” Uber gọi điện tới Hiệp hội vận tải Hà Nội, đề nghị đưa xe liên kết để “hãng” điều hành.

Tuy nhiên, theo ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, việc Uber đưa phần mềm thông minh áp dụng kết nối giữa khách hàng đi taxi và lái xe để phục vụ một nhóm người có điện thoại 3G, có thẻ tín dụng Quốc tế và đặc biệt một số người muốn đi taxi không có mào để tỏ ra mình sở hữu một chiếc ô tô “xịn” có người lái phục vụ, là kết quả của tư duy tri thức, biết chọn thị trường “ngách” và đặc biệt chọn kẽ hở của pháp luật để kinh doanh. Theo đó, Uber taxi tuyên bố “hãng” không kinh doanh vận tải, cho nên không quan tâm các điều kiện kinh doanh, đạo đức và nghiệp vụ lái xe, nghĩa vụ nộp thuế và trách nhiệm dân sự... do lái xe tự lo. Điều đó chứng tỏ “hãng” chưa tìm hiểu kỹ luật pháp của nước sở tại.

"Chúng tôi đề nghị Uber taxi cần công khai minh bạch cho người dân được biết, để khi Quốc hội sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Luật Thuế và Công nghệ thông tin, chúng tôi mới xem xét khả năng hợp tác với Uber", ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhấn mạnh.

Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc