Với số lượng nguyện vọng và cách thức đăng ký xét tuyển tại dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015, có ý kiến cho rằng vẫn có nguy cơ thí sinh điểm cao mà vẫn trượt.
Có 4 đợt đăng ký xét tuyển với 16 nguyện vọng
Theo công bố về dự thảo quy chế kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng mới đây của Bộ GD&ĐT thì cơ hội vào đại học của các thí sinh năm 2015 sẽ được tăng lên với 4 đợt đăng ký xét tuyển.
Mỗi thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia có sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển. Thí sinh sẽ dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này đăng kí xét tuyển tối đa 4 đợt.
Mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng. Trong mỗi đợt xét tuyển, với mỗi phiếu các em lại được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xét tuyển vào 4 ngành của một trường. Như vậy, thí sinh có tới 16 nguyện vọng xét tuyển.
Giải thích rõ hơn về điều này, Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành.
Các trường có thể thực hiện tối đa bốn đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31/10 hằng năm đối với trường ĐH và ngày 15/11 hằng năm đối với trường CĐ. Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước”.
Ngoài ra, trong thời gian xét tuyển, các trường công bố công khai các thông tin liên quan đến từng đợt xét tuyển gồm danh sách thí sinh trúng tuyển và đăng ký nhập học của mỗi đợt xét tuyển; tình hình đăng ký xét tuyển của thí sinh trên trang thông tin điện tử của trường, cập nhật ba ngày một lần (danh sách thí sinh đăng ký và điểm thi sẽ xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp). Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Ảnh minh họa |
Hợp thức hóa điều mà quy chế trước đây không cho phép?
Với dự thảo trên, lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM chỉ ra rằng về danh nghĩa thí sinh (TS) có tất cả 16 nguyện vọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nhưng thực chất, TS chỉ có 1 nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển. Cũng giống như xét tuyển nguyện vọng vào lớp 10, khi được xếp theo thứ tự ưu tiên, TS chỉ được gọi trúng tuyển một lần. Nói đơn giản, nếu TS trúng tuyển ở nguyện vọng 1 sẽ không tham gia xét tuyển ở nguyện vọng thứ 2, và ngược lại sẽ tiếp tục tham gia xét tuyển các nguyện vọng sau nếu rớt nguyện vọng trước đó. “Đây có thể xem là hợp thức hóa nguyện vọng 1B mà nhiều trường ĐH đã áp dụng các năm trước đây dù quy chế không cho phép”, vị này nhấn mạnh.
Theo nhiều người, cách làm này rất thuận tiện cho các trường trong quá trình xét tuyển vì hạn chế tối đa số lượng TS ảo. Nhưng ngược lại hạn chế cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích của TS trong đợt xét tuyển. Nếu không đồng ý chuyển đổi ngành xét tuyển, TS phải đợi tới đợt xét tuyển tiếp theo. Trên thực tế, với cách thức xét tuyển này hầu hết các trường ĐH lớn sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt đầu tiên. Vì vậy, nguy cơ TS đạt điểm cao không trúng tuyển vào ngành học mong muốn ở trường tốp trên sẽ rất cao.
Liên quan đến điểm này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: “Quy chế nên cho phép TS được nộp cùng lúc nhiều giấy chứng nhận kết quả thi trong cùng một đợt, có thể không phải 4 mà nhiều hơn số này. Khi đó, TS sẽ có cơ hội được lựa chọn chính xác hơn ngành học yêu thích ngay trong lần xét tuyển đầu tiên. Phần lớn TS sẽ không nộp quá nhiều mà đa phần sẽ chỉ ở mức 2 - 3 nguyện vọng”.
Ý kiến bạn đọc