Mỗi năm cần 202.000 tỷ để mở mang đường sá

06:35, 13/12/2014
|

(VnMedia) - Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ nay đến năm 2020 bình quân khoảng 202.000 tỷ đồng/năm; trong đó, một số dự án quan trọng cần từ 22.000 tỷ/năm...

>>
Đang có nguồn vốn khổng lồ "chảy" vào giao thông
>> 3 năm qua, không có công trình giao thông chậm tiến độ!           
>>
Chậm tiến độ, dự án gây nhiều phiền hà cho dân           

Như VnMedia đã đưa tin, sáng ngày 12/12, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông”. Đây là hội thảo lần đầu tiên được tổ chức nhằm hoàn thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng và hấp dẫn nguồn vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

Tham dự hội nghị, bà Nguyễn Thị Thuý Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá, thời gian qua với sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, đến nay việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được những kết quả khả quan, tạo nên chuyển biến rõ rệt.

Nhiều công trình trọng điểm được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ đã bước đầu tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và quốc tế. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đòi hỏi rất lớn, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Ước tính nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2020 bình quân khoảng 202 nghìn tỷ/năm; trong đó, một số dự án giao thông quan trọng, cấp bách như quốc lộ 1 cần bình quân 22 nghìn tỷ đồng/năm; đường Hồ Chí Minh bình quân 27 nghìn tỷ đồng/năm...

Chỉ tính riêng 63 dự án BOT, BT, PPP do Bộ GTVT quản lý, các ngân hàng thương mại đã tham gia tài trợ tới 135 nghìn tỷ (chiếm trên 89 % tổng mức đầu tư). Riêng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện nay đã được giải ngân trên 20 nghìn tỷ đồng. Đây là số vốn tín dụng ngân hàng lớn nhất từ trước đến nay tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông.

Theo bà Hạnh, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho dự án, trong năm 2015 dự kiến sẽ huy động tiếp từ các ngân hàng khoảng 63.000 tỷ đồng. Hiện nay, một số ngân hàng đã triển khai, đưa ra các chương trình tín dụng cho vay ưu đãi đối với các dự án hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, việc cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông đang còn gặp nhiều khó khăn như: Vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông thường rất dài (khoảng 20-25 năm); Năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện dự án.

  Ảnh minh họa

  Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, nước ta cần 202.000 tỷ đồng mỗi năm để mở mang đường sá, hạ tầng giao thông. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Rất nhiều dự án bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, khả năng trả nợ vay ngân hàng cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án.

Ngoài ra, cũng có trường hợp công trình vừa mới khánh thành đã có vấn đề phải sửa chữa, doanh thu thực tế không đạt như dự kiến dẫn đến ngân hàng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phải tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh …

Lấy đâu mỗi năm 202.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông? 

Theo bà Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, trước tiên Chính phủ cần hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư; có chính sách đồng bộ trong việc ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng giao thông nhằm thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng giao thông.

Thứ hai, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sát sao về tiến độ, chất lượng công trình... như đã làm trong thời gian qua để các ngân hàng yên tâm cho vay đối với các dự án giao thông. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như cơ chế kéo dài thời gian hoàn vốn BOT, cơ chế thu phí... do tăng tổng mức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng, giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro khi cho vay đối với các dự án.

Thứ ba, Bộ GTVT cần công khai thông tin về các dự án cần kêu gọi vốn đầu tư, tình hình triển khai thực hiện, nhu cầu vốn đầu tư... làm cơ sở tiếp cận thông tin nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực.

Theo yêu cầu của bà Hạnh, việc lựa chọn chủ đầu tư phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng, chỉ giao các dự án hạ tầng giao thông cho các chủ đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư xây dựng quản lý trong lĩnh vực giao thông, xây dựng. Các chủ đầu tư cần nỗ lực hơn trong việc nâng cao năng lực tài chính, xây dựng phương án đầu tư phù hợp với năng lực, nhân lực và công nghệ để tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, nhằm huy động đủ vốn cho dự án đầu tư.

Thứ tư, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển trong việc kết hợp giữa dịch vụ ngân hàng với việc thu phí thông qua thẻ để áp dụng thu phí tại Việt Nam, nhằm kiểm soát tốt hơn nguồn thu thông qua ngân hàng, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của các dự án, rút ngắn thời gian phải vay vốn Ngân hàng. Trên cơ sở đó ngân hàng có tăng nhanh vòng quay vốn tín dụng, tài trợ được nhiều dự án hơn.

Thứ năm, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan hỗ trợ trong việc đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng,... để hoàn thiện cơ sở pháp lý của dự án, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án, thu hút các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án giao thông.

"Về phía Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ cũng như phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ ngành có liên quan để có chính sách tín dụng phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao thông tiếp cận vốn vay ngân hàng", bà Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc