(VnMedia) - Luật Hộ tịch lần đầu tiên ra đời được coi như một bước đột phá, một “cuộc cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chia sẻ về những điểm nổi bật của Luật này.
>> Dự án Luật Hộ tịch: Mỗi người dân một mã số
>> Làm thủ tục hành chính chỉ cần đọc "số định danh"
>> Tất cả thông tin cá nhân trong một mã số
Ở nước ta, đăng ký hộ tịch có lịch sử từ thời nhà Trần, nhưng đến thời điểm này, chúng ta mới có được một luật riêng về lĩnh vực này. Và mới đây, một tuần sau thời điểm Luật Hộ tịch được thông qua, Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đã đưa ra Tuyên bố về đăng ký và thống kê hộ tịch, trong đó nhấn mạnh, trong vòng 10 năm tới, từ 2014 – 2024 là thập kỷ đăng ký và thống kê hộ tịch với nhiều cam kết mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực.
Vậy thì Luật Hộ tịch đầu tiên của Việt Nam có những điểm căn bản nào được cho là giải quyết nhiều nhất những nhiều bất cập đang xảy ra trên thực tế? Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 21/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trực tiếp trả lời những thắc mắc của người dân.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
- Trước hết, xin gửi đến Bộ trưởng một câu hỏi rất thời sự. Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó có việc thông tin hộ tịch cá nhân chưa chính xác, chưa thống nhất, thậm chí có trường hợp lợi dụng đăng ký hộ tịch để trục lợi hoặc trốn tránh pháp luật. Vậy, Luật hộ tịch mới ra đời có những quy định gì có thể khắc phục được tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Kể từ đầu năm 2006 đến nay, khi Nghị định 158 của Chính phủ có hiệu lực, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch của nhà nước ta nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh chuyển biến đó, thì đúng là còn tồn tại nhiều hạn chế. Kỳ họp vừa rồi, Quốc hội đã thông qua Luật Hộ tịch đầu tiên, có nhiều nội dung đổi mới, có thể nói là mang tính đột phá, một cuộc “cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung trong thời gian tới.
Một là, luật quy định rõ việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, bảo đảm độ chính xác trong tất cả giấy tờ thống kê đến con người, giảm thiểu nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính trong những thủ tục cần thiết liên quan đến con người. Ví dụ tới đây đăng ký khai sinh, ngoài việc được cấp giấy khai sinh đồng thời được cấp số định danh cá nhân. Đây là số duy nhất của người đó, không lặp lại, đảm bảo độ chính xác giấy tờ thống kê liên quan đến con người, mặt khác sẽ giảm thiểu rất nhiều thủ tục hành chính.
Thứ hai là Luật cũng cho phép lần này xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bên cạnh sổ hộ tịch bằng giấy như thực hiện từ trước đến nay. Và quy định việc kết nối cơ sở dữ liệu lần này với dữ liệu quốc gia về dân cư trong Đề án 896 Chính phủ đã thông qua. Từ cơ sở đó kết nối với tất cả các dữ liệu khác đang tồn tại, liên quan đến dân cư ở nước ta.
Thứ 3 là luật bổ sung, ghi nhận những quy định của Chính phủ từ trước đến nay, đảm bảo việc đăng ký và quản lý hộ tịch rất chặt chẽ. Với những quy định mang tính cải cách như vậy, sẽ mở ra trang mới đáp ứng được yêu cầu của các Bộ trưởng châu Á - Thái Bình Dương đã tuyên bố.
- Việc đăng ký hộ tịch đã có từ đời nhà Trần, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có Luật về Hộ tịch. Như Bộ trưởng vừa cho biết nói thì đây là một cuộc “cách mạng”, vậy bao giờ thì “cuộc cách mạng” này thực sự diễn ra?
Luật quy định cho Chính phủ hơn 1 năm chuẩn bị và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, khi đó trẻ em đăng ký khai sinh sẽ được cấp ngay số định danh cá nhân. Còn nói đầy đủ ra, Luật cũng cho phép từ nay đến hết năm 2019, phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và dữ liệu quốc gia về dân cư thì hai cơ sở này đồng thời xây dựng và hoàn thành năm 2020 tất cả quy định mang tính cải cách của luật sẽ được thực thi. Khi đó chúng ta sẽ nhận biết được công cuộc cải cách thủ tục hành chính và giấy tờ công dân.
- Một số người dân bày tỏ sự băn khoăn về những trường hợp những giấy tờ hộ tịch của người dân đã được cấp trước ngày Luật có hiệu lực, thì sẽ được xử lý như thế nào?
Tôi chia sẻ với băn khoăn này của người dân, và Chính phủ đã trình với Quốc hội và thông qua việc bảo toàn nguyên giá trị những giấy tờ đã cấp trước ngày 1/1/2016, một là sổ sách hộ tịch được lưu trữ vẫn có giá trị để người dân có thể tra cứu, cấp bản sao… và giấy tờ của người dân không phải làm lại, vẫn có giá trị suốt cuộc đời. Chỉ có từ 1/1/2016 cấp mới cho người mới sinh ra vào thời điểm này trở đi. Không làm xáo trộn gì các vấn đề xã hội mà người dân thực hiện trong thời gian vừa qua.
- “Bộ trưởng có thể cho biết, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch hiện nay liệu có khả năng bảo đảm được yêu cầu công việc khi Luật có hiệu lực hay không, đặc biệt là với công chức xã, phường”?
Phải nói thật là đến hôm nay, trên 30% cán bộ Tư pháp ở cấp xã chưa đáp ứng được ngay cả quy định của Chính phủ. Lần này Luật quy định lại và đồng thời bắt buộc khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch phải có chứng chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ tịch, cần phải thường xuyên được cập nhật về kiến thức, nghiệp vụ. Đối với việc ứng dụng CNTT, Luật quy định bổ sung 1 tiêu chuẩn mới là phải có trình độ tin học phù hợp. Tới đây Bộ Tư pháp sẽ phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch rà soát tại tất cả địa phương.
Dự kiến từ nay tới 1/1/2016, những ai đạt chuẩn rồi thì giữ lại làm công tác hộ tịch, ai chưa đạt chuẩn cần phải nghiên cứu, xem xét lại. Từ 1/1/2016 - 31/12/2019, phải tổ chức đào tạo lại để bước sang thời kỳ mới, khi cơ sở quốc gia về hộ tịch, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hình thành phải bảo đảm chuẩn mực. Việc này sẽ phục vụ đắc lực hơn cho người dân và cả công tác quản lý của Nhà nước.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cán bộ tư pháp hộ tịch, điều cấm và chế tài xử lý và quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã nếu không sắp xếp cán bộ tư pháp hộ tịch không đúng, buông lỏng quản lý xảy ra sai phạm trong công tác đăng ký hộ tịch.
Luật cũng cho phép trong giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, thì tới đây Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch chỉ đạo các địa phương rà soát lại. Dự kiến 1/1/2016 những cán bộ chuẩn thì giữ lại, những cán bộ chưa đạt chuẩn phải đăng ký lại tổ chức đào tạo lại, làm sao bước sang thời kỳ mới khi cơ sở quốc gia về dân cư, hộ tịch đảm bảo theo đúng quy định của luật mới.
- Xin cảm ơn bộ trưởng!
Ý kiến bạn đọc