(VnMedia) - “Nếu Tư lệnh Thành phố cũng Trung tướng và Tư lệnh Quân khu cũng Trung tướng thì trong mối quan hệ chỉ huy như thế nào? Theo tôi, đối với Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là cấp Thiếu tướng - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bình, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh nói.
>> Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam: Nhiều ý kiến khác nhau!
|
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bình |
Sáng 6/11, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bình, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- Thưa Thiếu tướng, theo Dự thảo quy định “trần” quân hàm với Tư lệnh và Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng, còn đối với Thành phố Hồ Chí Minh là Thiếu tướng. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nên quy định Tư lệnh và Chính ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng là Trung tướng để phù hợp với Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Quan điểm ông về vấn đề này như thế nào?
Nếu Tư lệnh Thành phố cũng Trung tướng và Quân khu cũng Trung tướng thì trong mối quan hệ chỉ huy như thế nào? Theo tôi, đối với Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là cấp Thiếu tướng đối với Tư lệnh Chính ủy, cấp quận là Thượng tá sẽ cân bằng với các tỉnh, quận huyện khác trong cả nước.
- Theo ông, đối với “trần” quân hàm cao nhất của chỉ huy cấp phó, cấp tướng có cần quy định vào trong luật này không hay để cơ quan Thường vụ Quốc hội quy định ?
Theo tôi quy định này nên đưa vào trong Luật luôn để trong quá trình thực hiện hiện không có vướng, hoặc không xảy ra những điều dẫn đến tiêu cực, bất cập khác như Luật hiện hành, đồng thời sẽ thuận lợi hơn. Nếu để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định và có ý kiến thì rất khó. Đã là Luật thì nên đưa vào trong Luật.
Còn phương án thứ 2 thì không quy định cấp phó trong Luật mà trong quá trình, do yêu cầu của từng binh chủng, từng đơn vị, quân khu..., có yêu cầu của từng giai đoạn thì sẽ có đề nghị. Như vậy phải có văn bản pháp luật quy định riêng về vấn đề này.
- Có ý kiến đề nghị phong quân hàm cấp tướng đối với Chủ nhiệm Khoa Mác - Lê nin, Học viện Quốc phòng. Vậy ông đánh giá như thế nào về đề nghị này?
Quan điểm của tôi là đồng tình với dự thảo Luật, đối với Học viện Quốc phòng, Chính ủy và Hiệu trưởng là Thượng tướng. còn cấp Trung tướng có Học viện lục quân và Học viện chính trị vì 2 Học viện này là nơi đào tạo cán bộ dơn vị cấp Trung đoàn, sư đoàn, rồi thực hiện công tác làm khoa học cho Bộ Quốc phòng. Các Học viện và trường sĩ quan còn lại căn cứ vào đối tượng đào tạo nên để cấp Thiếu tướng là vừa.
Đối với việc phong quân hàm cấp tướng với Chủ nhiệm Khoa Mác - Lê nin, Học viện Quốc phòng, theo tôi là không hợp lý vì Chủ nhiệm Khoa Mác - Lênin ở trường nào cũng có, nếu chúng ta đề nghị như vậy, các trường khác cũng đề nghị như vậy thì đội hình cấp tướng sẽ tăng lên, không phù hợp với hệ thống tổ chức chỉ huy và hệ thống nhà trường sẽ bất cập.
- Về phong quân hàm cấp tướng, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Vậy theo ông việc giảm cấp tướng có phù hợp với giai đoạn hiện nay hay không?
Do yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết 28 của Ban Chấp hànhTrung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, cấp tướng như trong dự thảo tôi cho là phù hợp, nhưng các đối tượng cần cân nhắc cho hợp lý trong tổng hệ thống tổ chức chỉ huy quân đội. Ví dụ hệ thống tổ chức chỉ huy quân đội có cấp trên, cấp dưới, và thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị là cấp trưởng cấp trên phải cao hơn cấp trưởng cấp dưới một bậc.
- Xin cảm ơn ông.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc