Mạnh dạn bỏ con dấu của doanh nghiệp

14:52, 10/11/2014
|

(VnMedia) - Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, nếu Việt Nam cải cách được thủ tục liên quan tới con dấu sẽ nâng được vị trí xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trên thế giới - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc trao đổi về quy định bỏ con dấu của doanh nghiệp.


Ảnh minh họa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc


Bên hành lang Quốc hội ngày 10/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc trao đổi với báo chí về việc bỏ con dấu của doanh nghiệp trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng như những cải cách thủ tục hành chính trong dự án Luật đầu tư (sửa đổi).

- Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) lần này đặt mục tiêu cải cách thủ tục mạnh mẽ, trong đó có đề xuất bỏ con dấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên qua thảo luận cho thấy, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của ông vấn đề này như thế nào?

Trên thế giới vẫn có nước sử dụng con dấu chứ không phải tất cả các nước đều bỏ con dấu của doanh nghiệp, nhưng quy định rất linh hoạt, phù thuộc vào tình hình, đều kiện của nước đó.

Quan điểm cải cách con dấu là để phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng cũng có ý kiến cho rằng phải tính đến điều kiện của Việt Nam. Dự án Luật Doanh nghiệp thể hiện con dấu là do doanh nghiệp quyết định về hình thức, nội dung và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Nếu sau này xảy ra trường hợp con dấu giả, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đăng ký này để điều tra.Lúc đó mẫu con dấu sẽ được công khai.

Dự thảo luật cũng quy định những trường hợp doanh nghiệp không phải sử dụng con dấu, ví dụ như khi đối tác ký hợp đồng không yêu cầu. Ngoài ra, dự án Luật cũng quy định những trường hợp bắt buộc phải sử dụng con dấu để bảo đảm tính an toàn, bí mật, ví dụ như yêu cầu cung cấp thông tin về nhân sự thì có thể sẽ phải sử dụng con dấu. Những trường hợp này, Chính phủ sẽ quy định cụ thể.

Tôi cho rằng, phải cải cách mạnh mẽ về con dấu của doanh nghiệp, vì thực tế con dấu vừa gây phiền hà, vừa tốn kém, trong khi việc làm giả rất đơn giản.

- Theo ông, nếu Luật được thông qua thì quy định về con dấu của doanh nghiệp khi nào nên áp dụng?

Đây là một trong những hình thức cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nên phải áp dụng ngay khi có điều kiện. Khi chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế như Công ty Kiểm toán và Tư vấn Tài chính Quốc tế, họ cho rằng, nếu Việt Nam cải cách được thủ tục liên quan tới con dấu sẽ nâng được vị trí xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trên thế giới.

- Nhưng có ý kiến cũng lo ngại rằng việc không sử dụng con dấu của doanh nghiệp có thể làm phát sinh những hệ lụy?

Trong vấn đề gì, lĩnh vực nào cũng có trường hợp lạm dụng giả mạo chứ không chỉ có con dấu của doanh nghiệp, do đó, phải quản lý bằng cách khác. Ví dụ, doanh nghiệp phải thông báo hoặc đăng ký mẫu và công khai mẫu con dấu với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tới khi có phát sinh hệ lụy thì có thể căn cứ vào đó để xác minh.

Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) vẫn quy định Bộ Công an quản lý con dấu nhưng theo pháp luật. Trong lần báo cáo Thủ tướng gần đây, tôi bày tỏ quan điểm cần phân loại rõ ràng trong việc quản lý con dấu. Bộ Công an nên quản lý con dấu của cơ quan Nhà nước và tổ chức, còn con dấu của doanh nghiệp thì không nhất thiết. Tôi cho rằng, Bộ Công an có nhiều biện pháp nghiệp vụ chống lại gian lận con dấu, nên không nhất thiết phải nắm quyền quản lý con dấu của doanh nghiệp.

- Đối với dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều doanh nghiệp có ý kiến cho rằng, thủ tục hành chính vẫn chưa rõ ràng và chưa được cải cách mạnh mẽ. Ý kiến của công thế nào?

Tôi cho rằng, dự thảo Luật lần này đã cải cách rất mạnh mẽ. Thứ nhất, đã có danh mục lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Còn điều kiện kinh doanh của ngành nghề được quy định chặt chẽ trong luật chuyên ngành, pháp lệnh và nghị định. Thông tư của Bộ không được quy định điều kiện kinh doanh của ngành nghề. Như vậy, điều kiện pháp lý sẽ chặt chẽ hơn.

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến lo ngại Luật chuyên ngành sẽ “bóp méo” Luật đầu tư?

Tôi cho rằng, lo ngại như vậy thì hơi thái quá. Luật chuyên ngành do ai ban hành? Là do Quốc hội ban hành. Nếu luật chuyên ngành do các Bộ ban hành mới lo sợ luật bị bóp méo. Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội sẽ có trách nhiệm thẩm tra các dự án luật để làm sao những luật chuyên ngành không chồng chéo và “đá” những quy định trong Luật đầu tư (sửa đổi), phù hợp với Hiến pháp.

- Xin cám ơn ông!


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc