(VnMedia) - Xung quanh chuyện ồn ào “đấu khẩu” giữa hai Đại biểu Quốc hội cũng như đề xuất của đoàn Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh về việc cần phải khám sức khỏe tâm thần cho ứng cử viên, ngày 6/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúcđã có cuộc trao đổi với báo chí.
|
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
- Thưa ông, khi thảo luận về Luật bầu cử, nhiều ý kiến đã đề nghị cần phải kiểm tra sức khỏe người ứng cử, đặc biệt trong đó có sức khỏe tâm thần. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Đây mới chỉ là ý kiến ban đầu của đại biểu trong quá trình thảo luận, còn trong dự thảo có quy định tiêu chuẩn đại biểu, có đưa ra tiêu chuẩn về sức khỏe nói chung, trong đó có nhiều yếu tố chứ không phải chỉ riêng về sức khỏe tâm thần.
Khi làm đại biểu, đại diện cho nhân dân và cử tri thì không những có trí tuệ mà còn phải có đầy đủ sức khỏe. Nhưng liệu chúng ta có phải đưa ra yêu cầu kiểm tra, xác nhận vì có thể có trường hợp không phải thần kinh nhưng thuộc diện đa nhân cách thì sao?
Nếu biết như thế và có xác nhận như thế thì cử tri ai bầu? Trong luật thì chỉ quy định đại biểu phải đảm bảo sức khỏe thôi chứ không ai đi vào chi tiết quá.
- Nhưng trước đề xuất của nhiều đại biểu và trước tình hình thực tế đang diễn ra với những hành xử, tranh luận giữa các đại biểu, nhiều ý kiến đã đánh giá rằng có đại biểu có vấn đề về trí tuệ. Vậy nếu không có yêu cầu về sức khỏe tâm thần thì khó có thể ngăn ngừa được những tình trạng như vậy?
Cá nhân tôi thì cho rằng đây là văn hóa ứng xử, văn hóa tranh luận thôi, còn việc bệnh tật thế nào thì mình không xác định được, cần phải có chuyên môn.
Về luật thì như tôi đã nói, chỉ cần ghi đảm bảo sức khỏe thôi, còn nếu quy định chi tiết quá thì rất khó. Như thế nào được gọi là đảm bảo sức khỏe? cụ thể chi tiết như thế nào thì Ủy ban bầu cử sẽ hướng dẫn. Trong luật mà nêu chi tiết thì sẽ rất dài, vì không chỉ sức khỏe tâm thần, mà còn nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo khác như tim mạch, ung thư... thì không thể ghi hết vào luật được. Nên luật chỉ có thể ghi đại biểu khi ứng cử thì phải có đầy đủ sức khỏe.
- Ông đánh giá như thế nào về những ồn ào tranh luận của một số đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày qua?
Theo tôi như vậy là không nên. Chúng ta có thể tranh luận trên hội trường về công việc chung, còn việc cá nhân thì không nên đưa ra như thế. Chúng ta nên khuyến khích tranh luận để đi đến một vấn đề, tiếp cận được chân lý, còn tranh luận về những vấn đề riêng tư của đại biểu thì không nên. Theo tôi đã là đại biểu thì phải có văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử, văn hóa nghị trường với nhau.
- Trước đây khi ban hành luật này, vấn đề sức khỏe tâm thần có được đại biểu nêu ra không, thưa ông?
Không, đây là lần đầu tiên đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh nêu đề nghị trong quá trình thảo luận tại tổ.
- Nhưng khi nêu quan điểm, không phải chỉ một đại biểu mà nhiều ý kiến đã đề nghị phải đưa ra quy định về sức khỏe tâm thần. Phải chăng điều này được đại biểu đề nghị xuất phát từ thực tế có đại biểu đã có những biểu hiện như vậy?
Không phải. Theo tôi đề xuất của đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh xuất phát từ cái chung thôi. Đại biểu yếu mà bệnh tật như thế thì không nên ứng cử là đúng rồi. Trong luật thì chỉ nên ghi phải đảm bảo sức khỏe thôi.
- Xin cảm ơn ông.
Tại buổi thảo luận tổ về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân hôm 5/11, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, người được giới thiệu hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội cần có chứng nhận về sức khoẻ vì nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, nếu để người có vấn đề về thần kinh làm đại biểu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. đại biểu Phạm Văn Gòn nhấn mạnh, người được bầu hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội phải có chứng nhận sức khoẻ, không phải khám như người bình thường mà cần có những tiêu chí cụ thể hơn. Đại biểu Nguyễn Văn Minh và Trần Du Lịch cũng đồng tình cần phải khám sức khoẻ và lý lịch tư pháp. |
Ý kiến bạn đọc